Đảm bảo sự phối hợp liên ngành trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

09/12/2020
Đảm bảo sự phối hợp liên ngành trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp liên ngành đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) diễn ra vào sáng nay (09/12).
Kịp thời phát hiện nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các thành viên của Tổ công tác tập trung đánh giá các kết quả hoạt động năm 2020, trong đó lưu ý tới vấn đề về cách thức tổ chức công việc, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực; đánh giá hiệu quả phối hợp trong rà soát văn bản theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ công tác rà soát VBQPPL.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2020, Tổ công tác đã rà soát được khối lượng lớn các văn bản, trong đó đã  phát hiện nhiều sai sót, mâu thuẫn, chồng chéo, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng là phải đề ra các giải pháp xử lý những tồn tại đó, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật. Về hoạt động của Tổ công tác năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên cho ý kiến cụ thể về số lượng chuyên đề sẽ rà soát; chủ đề rà soát…
 

 
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, đồng chí Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho biết, mặc dù khối lượng văn bản thuộc đối tượng rà soát lớn, thời hạn thực hiện ngắn, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19, song Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan.
Kết quả rà soát VBQPPL đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi đã xác định. Qua rà soát, Tổ công tác, các Bộ, cơ quan liên quan đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, Tổ công tác vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế do phạm vi, khối lượng công việc lớn, thời hạn thực hiện tương đối ngắn, trong khi Tổ công tác hoạt động theo cơ chế liên ngành, thành viên công tác tại nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới khó khăn trong việc huy động sự tham gia trực tiếp của các thành viên. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số hoạt động của Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tổ công tác chưa thể thực hiện đầy đủ, hiệu quả như dự kiến.
Năm 2021, Tổ công tác dự kiến tập trung rà soát một số chuyên đề pháp luật về: kinh doanh bảo hiểm; đất đai; xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh; tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp; quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân theo quy định trong Hiến pháp năm 2013; các quy định pháp luật liên quan đến Luật thương mại năm 2005.
Góp ý về dự kiến kế hoạch công tác năm 2021, đại diện Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đều cho rằng chuyên đề rà soát về quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân theo quy định trong Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết và nên mở rộng phạm vi của chủ đề theo hướng rà soát quy định về “quyền tài sản”, trong đó lưu ý tới các quy định về giá trị tài sản, quyền sở hữu tài sản khi phát sinh các tranh chấp…
Đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh đến hoạt động năm 2021 của Tổ cần xác định các nhiệm vụ hoạt động đảm bảo thực chất, hiệu lực, hiệu quả, xuyên suốt. Theo đó, cần lưu ý về tiến độ xây dựng kế hoạch hoạt động; các nhiệm vụ cần gắn với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật trong tình hình mới sắp tới sẽ được ban hành; gắn với việc triển khai Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ ban hành hàng năm; bám sát tư tưởng, quan điểm tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng…
Cho ý kiến về chuyên đề rà soát năm 2021, đại diện Văn phòng Chính phủ khẳng định cần quan tâm tới việc rà soát các quy định đất đai gắn với đầu tư kinh doanh để phát hiện, kiến nghị sửa đổi các quy định đất đai còn gây cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh như giải ngân đầu tư công, giải phóng mặt bằng…để kịp thời có sửa đổi, bổ sung, tạo chính sách thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh Covid-19 diễn ra phức tạp.
 

Đảm bảo tính liên ngành trong công tác rà soát văn bản
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu bày tỏ cơ bản nhất trí với kết quả đánh giá hoạt động của Tổ công tác năm 2020. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, hoạt động điều hành của Tổ công tác đã khẩn trương, chặt chẽ; các thành viên của Tổ công tác tham gia tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ; lãnh đạo Chính phủ cũng rất quan tâm Tổ công tác; công tác truyền thông được thực hiện tốt. Chính vì vậy, kết quả đã rà soát được số lượng lớn văn bản, phát hiện nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, bước đầu đề xuất được phương hướng hoàn thiện. Trong quá trình rà soát, các Bộ, ngành cũng đã chủ động tiếp thu để đưa vào luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định… trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như do thời gian rà soát ngắn, kinh phí hạn chế; tổ chức hoạt động, hướng dẫn chuyên môn còn lúng túng nhất định; sự phối hợp giữa các thành viên trong Nhóm, trong Tổ chưa thật sự chặt chẽ; ý kiến các chuyên gia và kết quả rà soát còn hạn chế…
Về xử lý kết quả rà soát theo QĐ 209/QĐ-TTg, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao nhiệm vụ rà soát chủ động xử lý sớm những kết quả phát hiện được văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ; đối với văn bản cấp cao hơn, trực tiếp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý. Với những kết quả rà soát của Tổ, đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các thành viên Tổ công tác tham mưu Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời.
Liên quan đến Kế hoạch hoạt động năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu và các góp ý bằng văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh lý và báo cáo Bộ trưởng. Thứ trưởng cũng lưu ý đến công việc trọng tâm trong năm 2021, bao gồm: tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác; tham mưu xử lý kết quả rà soát hiệu quả và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị; tiếp tục rà soát theo chuyên đề, chọn lĩnh vực, chuyên đề đang có nhiều vấn đề, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác nhau và phải mang tính liên ngành; bám sát nhu cầu, chủ trương định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật…
N.D