Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; Quyết định số 1706/QĐ-BTP ngày 05/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2020 và 2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đồng chủ trì Tọa đàm.
Đổi mới toàn diện trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, phổ biến, giáo dục pháp luật là lĩnh vực tác động đến mọi chủ thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và vùng miền trên cả nước, do đó, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự đồng thuận và vào cuộc của các chủ thể trong xã hội. “Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, là khởi đầu cho sự đổi mới toàn diện về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm quan tâm trao đổi, thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của mình về vấn đề nêu trên.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cách tiếp cận mới và chính sự phát triển nhanh của công nghệ số đã giải quyết được một số vấn đề, như: nền tảng công nghệ số cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào ngay từ đầu trong quá trình xây dựng văn bản; nền tảng công nghệ mạng xã hội Việt Nam cho phép thực hiện cá thể hóa phụ thuộc vào mối quan tâm của từng người, thời điểm phù hợp để truyền tải thông tin đến người dùng đạt hiệu quả…Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, thông qua nền tảng số sẽ tiếp cận đến nhiều người hơn, đạt hiệu quả tốt hơn với chi phí phù hợp hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu “mỗi người dân một Smartphone, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang”, đây là một kênh thông tin quan trọng để lan tỏa, phổ biến giáo dục pháp luật. Tọa đàm là sự khởi đầu, thể hiện sự quyết tâm của ngành Tư pháp đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là dùng công nghệ để phổ biến giáo dục pháp luật giúp cho người dân hiểu biết và tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thời gian tới.
Chuyển đổi số là bước phát triển mang tính đột phá
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày tham luận về “Yêu cầu chuyển số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư” và cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Để đáp ứng yêu cầu đó, Kêt luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư đã xác định các chủ trương, định hướng làm tiền đề cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, trong đó về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, Kết luận số 80-KL/TW cần: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
Trong tham luận “Giải pháp chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay”, đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian tới, có thể thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: Phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi – đáp, tình huống; Phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để xây dựng Hệ thống thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ sinh thái phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động tại Việt Nam, đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp cũng đã nêu lên một số giải pháp, bao gồm: Giải pháp quản lý (Xây dựng Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật, phiên bản web và phiên bản mobile); Giải pháp khai thác và tương tác trên thiết bị di động (thiết kế giao diện, khai thác và tương tác trên thiết bị di động).
|
|
Phát biểu kết luận Tòa đàm,Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, Tọa đàm đã cung cấp những thông tin sâu sắc, giúp các đại biểu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gợi mở những vấn đề đặt ra trong công tác này. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và các địa phương. Thứ trưởng hy vọng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để hỗ trợ các Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện.
N.D