Phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết

02/12/2020
Phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết
Chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp liên ngành về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Tham dự có Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cùng đại diện pháp chế các Bộ, ngành.

Xây dựng văn bản hướng dẫn 10 luật, nghị quyết
Báo cáo tại cuộc họp, Lãnh đạo Vụ các Vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua 7 luật và 3 Nghị quyết quy phạm, bao gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh.
 

 
Để kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong 10 luật, nghị quyết nêu trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát nội dung, đề xuất xây dựng các văn bản và dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
 

 
Theo đó, Dự thảo Quyết định gồm 3 điều. Điều 1 quy định về việc ban hành Danh mục, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và xác định thời hạn trình, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Điều 2 quy định về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp tham gia soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết và quy định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản. Còn Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của Quyết định.
 

 
Tại cuộc họp, đại diện pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về nội dung được giao quy định chi tiết tại luật, nghị quyết; số lượng và thời hạn trình hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan mình. Đồng thời cũng nêu lên các kiến nghị về việc phối hợp và đề xuất một số văn bản được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo đúng tiến độ.
Mỗi Luật không quá 2 Nghị định hướng dẫn
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Vụ các Vấn đề chung về xây dựng pháp luật tổng hợp và tiếp thu một cách hợp lý các ý kiến của Bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo tờ trình, danh mục văn bản quy định chi tiết; nếu có vấn đề chưa rõ cần chủ động liên hệ, lấy ý kiến các Bộ, ngành.
 

 
Song song với đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phát huy tính chủ động trong việc theo dõi công bố các luật, nghị quyết chính thức có hiệu lực để kịp thời cập nhật, điều chỉnh phù hợp các nhiệm vụ được phân công theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng. Đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các nội dung được giao quy định chi tiết tại các luật, nghị quyết; nội dung nào giao địa phương quy định chi tiết thì kịp thời thông báo để địa phương nắm bắt và triển khai.
 

 
Về việc phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng đề nghị các Bộ cần chủ động tích cực, tổ chức công việc khoa học, phối hợp chặt chẽ để rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định; đánh giá nhu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng văn bản quy định chi tiết trong từng lĩnh vực để tránh trùng lắp; thực hiện tốt quyết định phân công của Thủ tướng để ban hành văn bản đúng tiến độ, chất lượng.
 

 
“Chúng ta phải đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là mỗi luật không quá 2 Nghị định quy định chi tiết. Trong công tác thẩm định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến thẩm định hợp lý của Bộ Tư pháp, vấn đề không tiếp thu thì cần giải trình rõ. Đối với các vấn đề khó, nhạy cảm, các Bộ, cần chủ động xin ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ phụ trách để văn bản được xây dựng đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ”, Thứ trưởng lưu ý.