Ngày 30/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo.
Tiếp tục khẳng định giá trị, nhận diện sâu sắc và toàn diện hơn nữa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật:
- Thưa Thứ trưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại. Xin Thứ trưởng chia sẻ đôi điều về mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu:
Tư tưởng của Hồ Chí Minh là sự kết tinh, vận dụng từ nhiều tiền đề tư tưởng, lý luận khác nhau;
kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân,
Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế… Chính vì vậy, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” được tổ chức trong bối cảnh hiện nay mang nhiều ý nghĩa, mục đích, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục học tập, nghiên cứu để nhận diện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; khẳng định giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật;
Thứ hai, đánh giá thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của nước ta;
Thứ ba, đề xuất nhu cầu, quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là di sản vô giá của Người
- Xin Thứ trưởng cho biết, những nội dung đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, thấm nhuần và vận dụng?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ hiện tại và tương lai. Cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là các quan điểm, triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với hệ thống pháp luật hiệu lực, hiệu quả. Đó là một Nhà nước chính danh, hợp hiến, hợp pháp, trong sạch, trọng hiền tài và nhân bản mà ngày nay chúng ta định danh là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Người còn để lại những quan điểm, chỉ dẫn đặc biệt sâu sắc về công tác cán bộ. Với Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung, trong đó, tiêu chuẩn hàng đầu phải là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Người cũng để lại những quan điểm, chỉ dẫn rất cụ thể về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phải kiên quyết chống cho được “giặc nội xâm” là tham ô, lãng phí, quan liêu, điều mà ngày nay Đảng và Nhà nước ta đang kế tục, quyết tâm thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể, được dư luận xã hội, người dân đồng tình, ủng hộ cao. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước Việt Nam sau khi giành được độc lập cần xây dựng được hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người dựa trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để “
giữ gìn quyền lợi của Nhân dân”, duy trì trật tự xã hội và “
phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”. Có thể nói, đây là những tư tưởng ở tầm nguyên lý chi phối việc xây dựng, thiết kế bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật của Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng.
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật
- Xin Thứ trưởng cho biết, những vấn đề gì được đặt ra trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở nước ta thời gian qua?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu:
Thời gian qua, nhất là giai đoạn hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong việc cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạt được rất nhiều thành tựu. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Hiến pháp năm 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013 cùng hệ thống pháp luật điều chỉnh khá toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với hiệu lực, hiệu quả ngày càng được tăng cường, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí là sự kế tục rõ nét tư tưởng của Người.
Tuy nhiên, bộ máy nhà nước ở một số nơi còn chưa được tổ chức hợp lý, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, thủ tục hành chính trong không ít lĩnh vực còn rườm rà, năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, tính thượng tôn pháp luật chưa cao, kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Đây là những vấn đề rất cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để xử lý, chấn chỉnh, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thúc đẩy lối sống thượng tôn pháp luật và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.
- Theo Thứ trưởng, thời gian tới, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật nên được tiến hành như thế nào?
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu:
Chúng ta đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đồng thời tích cực chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội Đảng tới đây sẽ định ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 với nhiều chủ trương, định hướng tạo cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho những người làm công tác xây dựng chính sách, xây dựng, thực thi pháp luật để có nhiều hơn nữa những đóng góp vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tổ chức Hội thảo quan trọng này chính là một trong những hành động thiết thực ấy, trong đó việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật cần tiếp tục được coi là hoạt động thường xuyên, quan trọng trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta. Có thể khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật tiếp tục cung cấp cơ sở lý luận, soi sáng tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
PV Thu Hằng (thực hiện)