Sáng 25/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025 và lấy ý kiến dự kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2021 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phan Thị Hồng Hà đồng chủ trì.
Nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chính sách, đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan, đơn vị.
Để nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Thứ trưởng đề nghị rà soát toàn bộ hệ thống thể chế, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp qua các năm và trong cả giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, tập trung đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của Quy chế chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 – 2020.
Bên cạnh đó, phải đánh giá việc sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Đối với kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiêm túc đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu đối với từng tiêu chí cụ thể đã nêu trong Quyết định 163/QĐ-TTg và Quyết định số 161/QĐ-BTP; đóng góp ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2021.
Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, so với giai đoạn trước, giai đoạn 2016 – 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương, từng bước hoàn thiện chuẩn hoá về tiêu chuẩn ngạch công chức, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
|
Về cơ bản, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu của Đề án. Cụ thể, 100% công chức, viên chức được phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; 100% các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học; 100% công chức, viên chức trẻ trong Danh sách quy hoạch đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 – 2020 được tham gia một trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học ở trong nước và nước ngoài…
Riêng đối với các Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) có 100% công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo trình độ lý luận chính trị; 29% công chức được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương; 15% công chức được cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp thực thi công vụ.
Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực trong đào tạo, bồi dưỡng
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ vẫn còn một số khó khăn, như việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của đơn vị chưa sát so với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; kinh phí được cấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của ngành Tư pháp… Do đó, trong giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Tư pháp tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động bồi dưỡng; sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng…
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục THADS Nguyễn ngọc Vũ cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2030, cần tiếp tục chú trọng và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, cần đầu tư về thể chế, nhân lực, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Đồng tình với ý kiến của ông Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Học viện Tư pháp Bùi Hà cũng cho rằng phải đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng cả về quy mô, số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội nói chung và của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng. Do đó, Học viện Tư pháp tiếp tục xây dựng và áp dụng mô hình quản trị đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tiên tiến, hiện đại và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ; phát triển, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhất là các chương trình đào tạo là thế mạnh, có giá trị tăng cao như đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư, nghề công chứng…
An Như - Trung tâm Thông tin