Ngay sau khi kết thúc Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin giới thiệu nguyên văn bài phỏng vấn.
Ông đánh giá như thế nào về hội nghị sáng nay, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tại hội nghị cho thấy mối quan tâm sâu sắc đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay.
Hội nghị đã đánh giá nghiêm túc công tác xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, những kết quả tích cực và các mặt hạn chế, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Hội nghị cũng góp phần nâng cao nhận thức của các Ban, bộ, ngành, địa phương về vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rất rõ các giải pháp quan trọng mang tính đột phá để tới đây chúng ta nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Qua hội nghị chúng ta rút ra được những bài học và giải pháp gì để đưa pháp luật đi vào cuộc sống thực sự hiệu quả, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Sau hội nghị này, theo tôi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật phải đi trước một bước, là nền tảng để chúng ta xây dựng và phát triển đất nước. Từ việc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Pháp luật muốn đi vào cuộc sống thì ngay từ khi xây dựng phải có được các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, hay nói cách khác là phải “đưa cuộc sống vào trong pháp luật”.
Gắn kết quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Chúng ta có hệ thống tổ chức pháp luật tốt nhưng thi hành pháp luật không hiệu quả thì cũng không phát huy được vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và cả hệ thống chính trị, với mắt xích là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Là thành viên của cơ quan thường trực Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát ông thấy nổi lên những vấn đề gì đáng quan tâm?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Công tác rà soát nhiều năm nay vẫn được tổ chức thường xuyên. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát theo chuyên đề để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, môi trường, đất đai, thuế, hải quan, xây dựng…
Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật của chúng ta gắn với chủ đề là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của người dân.
Thông qua đợt rà soát này thấy một số vấn đề nổi lên là vẫn còn những quy định mâu thuẫn, kể cả trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật khác, một số quy định bất cập… Trước những thay đổi nhanh chóng và yêu cầu mới của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, từ kết quả rà soát này, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể cho Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Vấn đề là những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập đã phát hiện rồi phải được xử lý triệt để. Trong thực tế, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo khi xây dựng các dự án luật trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ thông qua cũng đã xử lý được rất nhiều khó khăn, vướng mắc được phát hiện trong thời gian qua.
Qua đợt rà soát năm 2020, những khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn sẽ tiếp tục được đưa vào các dự án sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, các nghị định của Chính phủ trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị của Thủ tướng nêu rõ: Các bộ, ngành phải khắc phục cho được tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, có giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tư pháp và các bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc này. Vậy, theo ông, giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn chính xác, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Với trình độ lập pháp của chúng ta thì khi Quốc hội thông qua một luật, nghị quyết thì có một số nội dung cần có quy định chi tiết thì mới đưa được đạo luật đó vào cuộc sống.
Nhìn lại nhiệm kỳ này, chúng tôi thấy đã xử lý khá tốt tình trạng nợ đọng văn bản, so với các nhiệm kỳ trước đã giảm khá nhiều. Có những thời điểm không còn nợ đọng các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tới đây sẽ phải làm tốt hơn vấn đề này. Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để xử lý triệt để tình trạng nợ đọng văn bản với các giải pháp đồng bộ như khi xây dựng các dự án luật trình Quốc hội thì cố gắng hạn chế việc phải xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, khi Quốc hội thông qua luật thì Bộ Tư pháp cũng trình Thủ tướng danh mục các văn bản để giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành triển khai thực hiện. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là giữa Bộ Tư pháp trong khâu thẩm định với Văn phòng Chính phủ trong thẩm tra.
Đặc biệt, sau khi có ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, lấy ý kiến Thành viên Chính phủ rồi phải sớm hoàn chỉnh các văn bản quy định chi tiết như Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Sơn (thực hiện)
http://mnews.chinhphu.vn; Điểm tin Văn phòng Bộ