Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

24/11/2020
Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào sáng nay (24/11).
Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác này, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, môi trường, đất đai; Tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; Nghiên cứu, nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;… để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Với quyết tâm đó, trong thời gian qua, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ hơn, từ pháp luật về quyền con người, quyền công dân; tổ chức bộ máy đến lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế về pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.
Để tiếp tục đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII và chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng và vô cùng thiết thực, đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế phải đi tiên phong, bảo đảm thể chế phải thực sự là nền tảng là động lực đẩy mạnh đổi mới, phát triển đất nước, cải cách và tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020. Thứ trưởng cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện, phát triển. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế.

Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới. Từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật; vai trò tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể; pháp luật về hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tra cứu, tiếp cận, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Hội nghị đã được lắng nghe ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu dự họp. Các ý kiến tham gia đều rất chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật thời gian qua; nhiều kiến nghị, đề xuất có tính xây dựng cao, thiết thực, có những giải pháp mang tính đột phá, thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, rất tâm huyết của các đại biểu đối với công tác vô cùng quan trọng này.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã thực hiện rất có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tới nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành. Tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ ngày càng được nâng cao. Quy trình xây dựng pháp luật được đổi mới theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo, hiện đại hoá phương thức và kỹ thuật lập pháp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Công tác thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả cụ thể. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác kiểm tra văn bản đã kết hợp giữa chủ động kiểm tra theo thẩm quyền với việc nắm bắt các nguồn thông tin, dư luận để vào cuộc sớm; nhiều văn bản trái pháp luật tồn tại từ thời gian trước đã được xử lý dứt điểm, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Những kết quả nổi bật này cho thấy công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật thời gian qua đã tạo nền móng vững chắc, “bệ đỡ” cho các lĩnh vực khác phát triển; góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời dự án luật ngắn, đặc biệt thể chế kinh tế còn nhiều vấn đề. Việc tổng kết đánh giá tác động luật còn hạn chế; tình trạng xin lùi, xin rút và văn bản ban hành trái pháp luật vẫn còn. Công tác phối hợp trong thi hành pháp luật chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương ngành Tư pháp, nhất là Bộ Tư pháp trong vai trò là “nhạc trưởng”, “cơ quan gác cửa” trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật trong những năm qua; biểu dương Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành được phân công chuẩn bị rà soát, đôn đốc triển khai trình Quốc hội, thường vụ Quốc hội thông qua nhiều văn bản luật…

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự nhất trí với các phương hướng, giải pháp tại các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu, trong đó đề nghị cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số điểm sau: Tiếp tục quán triệt kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa thành các quy định của pháp luật, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm hơn với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hơn nữa tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác này với các chế tài nghiêm minh, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật; cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội…
N.D