Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng

23/11/2020
Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sẽ được tổ chức vào ngày 24/11.

Đây là Hội nghị trực tuyến có quy mô toàn quốc với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên cả nước.

Theo nội dung chương trình, Hội nghị sẽ tập trung rà soát, đánh giá tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 – 2020.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới.

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả Trung ương và địa phương, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật; vai trò tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể; pháp luật về hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tra cứu, tiếp cận, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Theo thống kê, trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011 - 2015 (721 văn bản), Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định, giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011 - 2015 (361 văn bản). Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch, giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (2.733 văn bản). Ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh, tăng 2.552 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (13.789 văn bản), 12.427 văn bản cấp huyện, giảm 18.320 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015 (30.747 văn bản), 64.031 văn bản cấp xã giảm 131.083 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (195.114 văn bản).

Kết quả nêu trên trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm so với giai đoạn 2011 - 2015, điều đó thể hiện việc chuyển dần theo hướng tinh giản hơn trong hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.

Riêng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng so với giai đoạn trước, cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao theo sự phân cấp trong quản lý chỉ đạo, điều hành đối với ngành, lĩnh vực. Văn bản của chính quyền địa phương giảm, đặc biệt cấp huyện, cấp xã đã giảm rõ rệt, các cấp này đã tập trung mạnh vào việc triển khai tổ chức thi hành pháp luật.

Kết quả đó cũng có sự đóng góp quan trọng của công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp. Báo cáo thẩm định là kênh thông tin quan trọng để Chính phủ, UBND xem xét, quyết định việc trình các dự án, dự thảo; đồng thời, là nguồn thông tin hữu ích để các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tham khảo trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, thông qua các dự án, dự thảo.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan soạn thảo, ý kiến thẩm định là căn cứ để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, bước đầu áp dụng khoa học công nghệ vào công tác truyền thông để đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.

Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao. Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung hơn vào quản lý điều hành vĩ mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng; cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cuộc chiến chống tham nhũng thu được nhiều thành tựu nổi bật. Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Công tác bổ trợ tư pháp (với tư cách là một trong những những thành tố góp phần bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả) có bước phát triển tốt, góp phần quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp tăng cường tiếp cận và thực thi pháp luật. Tổ chức và hoạt động của các thiết chế bổ trợ tư pháp tiếp tục không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Bộ tư pháp cũng khẳng định những quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp cũng như tham mưu cho cấp trên chỉ đạo khắc phục những hạn chế còn tồn tại liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật, trong đó có những tồn tại lớn nổi lên là: Hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn có sự mâu thuẫn. Tính minh bạch của hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, một số quy định được hiểu, được áp dụng chưa thống nhất. Chất lượng một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao; vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh. Công tác thi hành pháp luật tuy vẫn có nội dung chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện hiệu quả, chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân chưa cao. Một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn phân tán, dàn trải, nguồn lực hạn chế; nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật sát và phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tiễn và địa bàn phổ biến. Việc phối hợp công tác giữa một số cơ quan, đơn vị trong thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Nhận thức rõ được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, trong cả nhiệm kỳ này, với chủ trương, phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Chính phủ luôn dành một dung lượng thời gian lớn, thậm trí là họp cả ngoài giờ ở mỗi phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng để xem xét, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các dự án, đề án về luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật cũng được Chính phủ thường xuyên tổ chức với mong muốn xây dựng được hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện hơn, góp phần tích cực hơn cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, kiến thiết và tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng... cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tại các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN. Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước.

Trên tinh thần này, Thủ tướng luôn yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn một cách kịp thời và phải xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật bảo và đặc biệt coi trọng việc đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các văn bản pháp luật.


Điểm tin Văn phòng Bộ