Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thảo tại phiên chất vấn sáng 9/11 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, văn bản của các bộ, ngành (tập trung là Thông tư) được ban hành mà chưa phù hợp là có gây ảnh hưởng, lãng phí.
Văn bản chưa phù hợp gây ảnh hưởng, lãng phí
Từ thực tiễn kiểm tra, số liệu của Bộ Tư pháp một vài năm qua (kiểm tra theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp đối với văn bản của các bộ, ngành, địa phương) thì năm 2016, trong số 124 văn bản mà Bộ Tư pháp phát hiện có sai sót về thẩm quyền và nội dung, có 36 văn bản của các Bộ, ngành. Năm 2019, số lượng văn bản sai của các Bộ, ngành là 13/165 văn bản, năm 2020 là 5/59 văn bản. Như vậy, số lượng văn bản sai của các bộ, ngành đã có sự giảm dần, nhưng còn phụ thuộc vào tổng số văn bản mà Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền (như năm 2020, mới kiểm tra đến tháng 10 để trình Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội).
Về nguyên nhân là do chủ thể ban hành văn bản chưa rà soát kỹ các công đoạn, chưa thật sự phát huy vai trò của tổ chức pháp chế tại cơ quan mình. Bên cạnh đó, còn có lý do về chuyên môn, bản lĩnh và qua rà soát thì một số văn bản từ luật, nghị định đến thông tư có những cách biệt khó khăn, phức tạp trong xử lý mà khi đi vào cụ thể mới được phát hiện ra.
Liên quan đến giải pháp, Bộ trưởng đề xuất các chủ thể ban hành văn bản cần tập trung vào một số vấn đề sau: khi thiết kế, xây dựng các văn bản để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành nên hạn chế đến mức tối đa việc phải ban hành thông tư; Nếu đưa được từng nội dung cụ thể vào từng văn bản để Quốc hội, Chính phủ thông qua, tổ chức thi hành được ngay sẽ là tốt nhất.
Điểm đặc biệt ở chỗ, Thông tư – văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ thì cơ chế kiểm soát không chặt chẽ như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện nay, việc ban hành, soạn thảo, xử lý thông tư như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành trên cơ sở thẩm định của tổ chức pháp chế tại cơ quan. Do đó, cần thường xuyên rà soát, lắng nghe kỹ các ý kiến góp ý.
Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cam kết sẽ thực hiện kiểm tra và sẽ dứt khoát hơn nữa khi phát hiện ra các vụ việc cụ thể.
Loạt giải pháp gỡ vướng về thủ tục hành chính
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nêu vấn đề: Người dân và doanh nghiệp được Hiến pháp trao quyền, được luật tạo điều kiện để thực hiện quyền của mình. Nhưng nhiều thủ tục hành chính trong thông tư của các bộ, thậm chí trong một số nghị định của Chính phủ vẫn còn đặt ra không ít rào cản khiến cho người dân và doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện quyền của mình.
Mặc dù trong cải cách hành chính, các cơ quan nhà nước cũng đã dỡ bỏ nhiều rào cản nhưng mà dỡ chỗ này thì lại nảy sinh ở những chỗ khác và dỡ rào cản cũ thì lại tự động mọc ra rào cản mới. Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết trách nhiệm của Bộ Tư pháp, giải pháp để khắc phục và Bộ trưởng có cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, các thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật đều có nguyên tắc. Ví dụ, chúng ta đang cố gắng thực hiện nguyên tắc đối với những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người dân, doanh nghiệp thì phải quy định trong luật. Các điều kiện kinh doanh và các thủ tục có liên quan thì tầm văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất là nghị định của Chính phủ.
Quy trình để thực hiện xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có thông tư, nghị định, luật đều được quy định rất chặt chẽ. Trong thời gian qua, chúng ta đã rất cố gắng, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói. Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế chúng ta vẫn phải tiếp tục để giải quyết.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Bộ cũng thực hiện nhiệm vụ được giao là kiểm tra văn bản. Nhưng trong công tác kiểm tra văn bản, thẩm quyền được giao của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở các thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
“Khi chúng tôi phát hiện ra thì chỉ có thẩm quyền xem xét, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý, Bộ Tư pháp không xử lý”, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện kinh doanh và việc vi phạm những quy định của pháp luật, như quy định điều kiện kinh doanh, đưa ra các thủ tục trong thông tư cũng là một trong những vấn đề mà Bộ Tư pháp tập trung. Hiên, vẫn tồn tại tình trạng thực tế này và chúng ta đang cố gắng làm sao để hạn chế tình hình.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị, tiếp tục thực hiện các giải pháp, trước hết là cơ chế tự thi hành. Các chủ thể xây dựng pháp luật với trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ nếu thực hiện phù hợp thì sẽ hạn chế được tình trạng này. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về mặt nguyên tắc đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Dưới sự giám sát của công luận, của các cơ quan, đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới”, Bộ trưởng Long cam kết.
H.Thư