Trong chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp tục đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng văn bản chồng chéo, nợ đọng văn bản quy định chi tiết, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tập trung nguồn lực vào yếu tố con người trong công tác xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định thể chế là ưu tiên hàng đầu. Điều này thể hiện trong tất cả các phiên họp của Chính phủ cùng với việc mỗi năm có 2 phiên họp chuyên đề về thể chế. Bộ Tư pháp và các Bộ, các ngành cũng đã cố gắng nhưng tình trạng các văn bản chồng chéo, hết hiệu lực, chưa phù hợp với thực tế, chưa được rà soát kịp thời là một thực tế đang xảy ra. Vì vậy, rà soát là một nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện theo chuyên đề và nhiệm vụ này được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, gần đây, Chính phủ đã có Báo cáo số 442 trình Quốc hội với các số liệu cụ thể về những nhóm về các vấn đề chồng chéo, lý do vì sao, đề xuất như thế nà.
Về nguyên nhân, yếu tố chủ quan là chủ yếu do khả năng chúng ta còn nhiều hạn chế, trong công tác xây dựng pháp luật chưa nhìn hết, dự liệu hết được các vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt chưa xử lý được vấn đề, nội dung liên ngành. Về nguyên nhân chủ quan, có nhiều vấn đề rất khó, có những vấn đề chúng ta cần cập nhật ngay lập tức.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng Long, các chủ thể đề xuất xây dựng văn bản luật cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, khi soạn thảo văn bản luật phải đặt trong bối cảnh liên ngành, liên lĩnh vực, bởi chỉ cần vướng mắc trong một lĩnh vực là sẽ ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác. Thứ ba, tập trung nguồn lực vào yếu tố con người, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp làm công tác pháp luật, chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, cơ quan.
Đối với tình trạng chậm ban hành văn bản, Bộ trưởng thừa nhận đây là tồn tại, hạn chế mà đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đã từng có thời điểm, chúng ta làm rất tốt như năm 2017 không có nợ, 2018 nợ 4 văn bản, 2019 nợ 10 văn bản, 2020 đang nợ 11 văn bản.
Người đứng đầu Bộ Tư pháp đề xuất, trước hết, cần có sự cố gắng của các ban, ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí đánh giá cán bộ trong công tác thi đua khen thưởng và bổ nhiệm. Bên cạnh đó, khi trình luật phải trình các đề cương văn bản chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản.
Thẩm quyền trong thi hành án hành chính rất hạn chế và vừa phải
Trả lời câu hỏi liên quan đến tỷ lệ thi hành án về tiền còn thấp, Bộ trưởng Long thông tin, riêng năm 2020 số tiền thu được cho đến bây giờ khoảng 54 ngàn tỷ, đối với lĩnh vực tham nhũng kinh tế thu được gần 1.600 tỷ đồng.
Nếu tính tỷ lệ hàng năm thì chỉ thực hiện được trong hệ thống Thi hành án khoảng 80-85% về việc, 35% về tiền. Năm nay thì được 40,18% về tiền trên số có điều kiện thi hành. Như vậy tính về mặt tỷ lệ thì quả là có thấp. Lý do là nhiều vụ việc tuyên số tiền rất lớn nhưng trên thực tế thì không tìm thấy, điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như tổng số hơn 15 nghìn tỷ, đến nay mới thu hồi được 400 tỷ nằm rải rác ở các tỉnh, các nơi và rất nhiều các tài sản tình trạng pháp lý chưa rõ nên không thực hiện được.
Về giải pháp, từng cơ quan thi hành án chọn ra một số vụ việc trọng tâm, trọng điểm để xác định giải pháp, làm việc với các cấp ủy địa phương để giải quyết. Đồng thời, ngành đang thực hiện rất nghiêm kết luận của Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tức là phải nhìn nhận việc thu hồi tài sản không phải chỉ riêng của cơ quan Thi hành án dân sự mà cả một hệ thống các cơ quan, từ ngân hàng thẩm định cho vay cho đến các cơ quan tố tụng và các cơ quan tố tụng phải thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong thu giữ các khoản tiền. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu ban hành một chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong thực hiện việc thu hồi các tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đối với công tác theo dõi thi hành án hành chính, Bộ trưởng Long cho hay, đây vẫn là một điểm nghẽn, Quốc hội đã nói rất nhiều, về phía cơ quan Tư pháp cũng đã rất cố gắng nhưng tỷ lệ vẫn là thấp, không được như ý muốn.
Vấn đề đặt ra phải là sự tự nguyện của các cơ quan, không thể thực hiện cơ chế cưỡng chế đối với cơ quan hành chính. Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của các cơ quan và đặc biệt là Chủ tịch UBND các cấp phải là vấn đề cần được quan tâm và đánh giá sát sao, có thể coi đây phải là tiêu chí trong đánh giá cán bộ, đề bạt, thi hành kỷ luật khi không thực hiện. Bộ Tư pháp cũng sẽ cố gắng hơn, mặc dù thẩm quyền của Bộ trong thi hành án hành chính rất hạn chế và vừa phải nên cũng khó có thể làm hơn.
H.Thư