Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

12/01/2011
Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/10/2010 của Chính phủ về ĐKGDBĐ và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã giao Cục ĐKGDBĐ phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (thay thế cho Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT).

Ngay sau khi có ý kiến đóng góp trực tiếp và bằng văn bản của các thành viên Tổ Biên tập, ngày 10/01/2011, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Cuộc họp bao gồm đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật...)

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, đơn vị có liên quan đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Thông tư liên tịch nêu trên nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về nguyên tắc đăng ký, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, thời hạn thực hiện đăng ký, hồ sơ và thủ tục đăng ký... mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung những quy định hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn tại những văn bản cũ nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch.

Trực tiếp góp ý đối với một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Thông tư liên tịch, về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, bà Phạm Thị Thịnh - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không cần thiết phải quy định về việc cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại dự thảo Thông tư này bởi việc cung cấp thông tin về đất đai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT hướng dẫn lập, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng cần quy định phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm cả đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do cơ sở pháp lý để xây dựng quy định về cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất đã được quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP. Việc cụ thể hóa các quy định về cung cấp thông tin trong Nghị định là bước đi cần thiết để Nghị định thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ: Trên cơ sở pháp lý của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, dự thảo Thông tư đã quy định tại Điều 5 về thời hạn giải quyết hồ sơ, theo đó hồ sơ đăng ký được giải quyết trong ngày làm việc, nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo, trường hợp kéo dài thì không quá 03 ngày làm việc; thời điểm Văn phòng đăng ký nhận hồ sơ hợp lệ được tính từ thời điểm hồ sơ hợp lệ được cán bộ tiếp nhận hồ sơ chuyển đến Văn phòng đăng ký.

Tuy nhiên, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội và một số đại biểu khác đề xuất cần cân nhắc quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ với đặc thù tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những thành phố lớn, khối lượng hồ sơ về đất đai khổng lồ, do đó thời hạn giải quyết hồ sơ cần được quy định linh hoạt hơn để đảm bảo các quy định pháp luật được thực hiện trên thực tế, đồng thời giảm áp lực cho các cơ quan đăng ký tại những địa phương này.

Về thí điểm đăng ký trực tuyến thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần có quy định mở, tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc triển khai việc áp dụng đăng ký trực tuyến thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, khi hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và hệ thống hóa dữ liệu. Mặt khác, hiện nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu hiện đại, sẵn sàng cho việc thực hiện đăng ký thế chấp qua hệ thống đăng ký trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thí điểm đăng ký trực tuyến thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là vấn đề đem lại nhiều ý kiến trái chiều, do đó Thứ trưởng Đinh Trung Tụng - Trưởng ban soạn thảo đã đề nghị các thành viên và đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc và đề xuất những quy định hiệu quả, thiết thực và khả thi.

Có thể nói, việc xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất với những quy định mới mang tính cải cách sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký hiện nay.

Thu Thủy