Ngày 01/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp sẽ long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V để nhìn lại các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 -2020; tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đồng thời xác định phương hướng đẩy mạnh phong trào thi đua trong giai đoạn tiếp theo. Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
-Thưa Bộ trưởng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngành Tư pháp đã thấm nhuần lời dạy của Người như thế nào?
Trong suốt 75 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày thành lập cho đến nay, toàn ngành Tư pháp luôn quán triệt, vận dụng sâu sắc lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo đó, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của Bộ, Ngành Tư pháp. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tạo động lực để toàn ngành vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động, căn cứ chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm, giai đoạn, Bộ, ngành Tư pháp đã phát động, đẩy mạnh tổ chức những phong trào thi đua thường xuyên, theo chuyên đề, theo đợt thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng thời kỳ và từng lĩnh vực công tác.
Trên cơ sở các phong trào thi đua do Bộ phát động, các Cụm, Khu vực thi đua, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sôi nổi hưởng ứng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn liền với những công tác trọng tâm của Ngành, của đơn vị. Kết thúc các đợt thi đua đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
-Sau 5 năm, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành?
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, sự đồng thuận cùng sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thi đua của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, 5 năm qua phong trào thi đua của ngành Tư pháp đã đạt những kết quả tích cực trên các phương diện.
Bộ Tư pháp đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế của Ngành về công tác thi đua khen thưởng; Đến nay, hệ thống các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp về cơ bản đã tương đối đầy đủ, là cơ sở pháp lý quan trọng cho triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng tại Bộ, ngành Tư pháp.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới, qua đó cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua, đồng thời kịp thời nhân rộng các mô hình hay, sáng kiến mới, tạo sự lan toả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Kết quả phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao thể hiện trên các lĩnh vực của ngành: công tác văn bản quy phạm pháp luật; Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; báo chí, xuất bản; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật; Công tác xây dựng Ngành; đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin…
Với những kết quả nổi bật đạt được trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, toàn ngành Tư pháp đã có 18.390 lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Bộ Tư pháp cũng được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, được các thành viên trong Khối thi đua các bộ, ban, ngành Nội chính Trung ương suy tôn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2015, 2017; tặng Bằng khen năm 2016, 2018. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2020), Bộ Tư pháp đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, đây tiếp tục là một trong những phần thưởng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao tặng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp.
- Mặc dù vậy, việc thực hiện các phong trào thi đua nơi này nơi khác chưa đồng đều, thi đua vẫn còn tình trạng hình thức, vậy nguyên nhân do đâu và cần phải quan tâm thực hiện tốt những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm qua của Bộ, ngành Tư pháp cũng còn có những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến những bất cập của Luật Thi đua khen thưởng; một số quy định của ngành về thi đua khen thưởng còn đang trong quá trình sửa đổi; kinh phí cho công tác này còn hạn chế; một số nơi thủ trưởng đơn vị chưa thực sự coi thi đua là động lực thúc đẩy hoàn thành công việc, chưa quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình hay sáng kiến tốt...
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp trong thời gian qua cho thấy ở đơn vị nào cấp uỷ Đảng, Thủ trưởng đơn vị quan tâm chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua thì ở nơi đó phong trào thi đua phát triển, nhiệm vụ chuyên môn được hoàn thành với tiến độ, chất lượng cao...Vì thế, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng.
Việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua cần phù hợp với điều kiện của ngành; phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm gắn với nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, ngành, địa phương, của cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua phải được duy trì thường xuyên, liên tục, toàn diện, sâu rộng và đều khắp; thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Cùng đó, nâng cao tính phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực công tác, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tạo tính lan tỏa trong các phong trào thi đua.
-Trong giai đoạn mới 2021-2025 ngành Tư pháp sẽ xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào để thi đua thực sự trở thành động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Trong giai đoạn mới, Ngành Tư pháp xác định tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tạo không khí thi đua sôi nổi, động lực thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, toàn ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng; tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và điều kiện thực tiễn của Bộ, Ngành.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua theo hướng thường xuyên, liên tục, ngày càng thực chất, hiệu quả. Việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng khách quan, chính xác, kịp thời. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, sáng kiến, sáng tạo; công chức, viên chức và người lao động trực tiếp. Kịp thời biểu dương, tôn vinh các nhân tố mới, cách làm hay sáng tạo, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” làm nòng cốt đẩy mạnh phong trào thi đua trong giai đoạn mới, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành Tư pháp.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Cụm, Khu vực thi đua trong ngành Tư pháp cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành.
-Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
PV Thu Hằng (thực hiện)