Đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối thi hành án

27/10/2020
Đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối thi hành án
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vẫn còn tình trạng người phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, thậm chí chống đối quyết liệt để kéo dài việc thi hành án, nhưng chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, xử lý.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, Quốc hội đã nghe một số báo cáo công tác tư pháp năm 2020 và thẩm tra các báo cáo này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo rút gọn về công tác thi hành án năm 2020. 

Trong đó, đánh giá công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hình sự (THAHS), quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Cụ thể, đối với công tác THADS, tổng số việc phải thi hành là 886.829 việc. Số có điều kiện thi hành án là 709.505 việc. Thi hành xong 577.582 việc, đạt tỷ lệ 81,41%.

Tổng số tiền phải thi hành gần 265 nghìn tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là trên 134.115 tỷ đồng. Thi hành xong trên 53,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,1%. Số chuyển kỳ sau 309.247 việc, tương ứng với trên 211 nghìn tỷ đồng.

Về theo dõi THAHC, đã tiếp nhận 2.631 bản án, quyết định về hành chính. Thực hiện theo dõi 830 việc. Ra thông báo tự nguyện thi hành án đối với 572 việc; đăng tải công khai 201 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 318 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 103 trường hợp. 

Kết quả, thi hành xong 363/830 vụ việc, tăng 65 việc so với năm 2019. Đối với 50 việc mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, đến nay đã thi hành xong 43/50 việc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, số việc chuyển sang kỳ sau giảm, nhưng lại tăng về tiền so với năm 2019; hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ; vẫn còn tình trạng một số chấp hành viên vi phạm trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành. Đáng chú ý, tình trạngngười phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, thậm chí chống đối quyết liệt để kéo dài việc thi hành án trong khi chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, xử lý.

Trong công tác THAHS, tính đến ngày 30/9/2020, có 150.387 người bị kết án tù, tăng 5.885 người so với năm 2019.

Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân (PN), đã tổ chức 3.097 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho trên 900 nghìn lượt PN; 83 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho trên 2.100 lượt PN; 1.118 lớp giáo dục công dân cho trên 29.100 PN mới đến chấp hành án, 694 lớp cho trên 66.000 lượt PN đang chấp hành án và 668 lớp cho trên 27.800 lượt PN sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; 439 lớp truyền thông phòng, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trên 142.400 lượt PN. 

Đã lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 1.872 PN, số người được tha tù trước thời hạn có điều kiệnđang quản lý 1.737người. Đã tiếp nhận, quản lý 20.894 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú. Đã tổ chức thi hành án phạt trục xuất đối với 25 người có quốc tịch các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc...

Bên cạnh kết quả đạt được thì tiến độ xây dựng một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật THAHS năm 2019 còn chậm; chưa có phương án tháo gỡ triệt để các khó khăn trong công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình. Công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấnvà giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền, theo chuyên đề đối với công tác THADS, THAHC, THAHS, trong đó tập trung vào công tác THAHS tại cộng đồng; việc điều tra, truy tố, xét xử  và thi hành các vụ án lớn, tham nhũng; công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản và các hoạt động liên quan đến tín dụng nhằm hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, án liên quan đến tín dụng, ngân hàng không thi hành án được. 

Chính phủ cũng đề nghị TANDTC phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng, ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật THAHS năm 2019 do TANDTC chủ trì.Chỉ đạo TAND các cấp trong quá trình xét xử cần đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan THADS. 

Đồng thời, đề nghị VKSNDTC chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi khi thi hành án; kiểm sát chặt chẽ hoạt động THADS ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án.

Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức THAHS tại cộng đồng. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, VKSND các địa phương tăng cường công tác kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại theo quy định.

Hoàng Thư

Chính phủ đề nghị Quốc hội bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho việc triển khai các dự án đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho các cơ quan THADS, nhất là các kho vật chứng; triển khai Dự án tổng thể đầu tư xây dựng các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở giam giữ phục vụ công tác quản lý, giam giữ.

baophapluat.vn