Xử lý tài sản bảo đảm – cần những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi và ít rủi ro

22/10/2020
Xử lý tài sản bảo đảm – cần những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi và ít rủi ro
Ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án JICA đã dự và phát biểu tại Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo luật và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, đây là Tọa đàm được tổ chức trong khuân khổ Dự án Jica – Dự án đã gắn với Bộ luật dân sự đầu tiên của Việt Nam và đã được các chuyên gia dài hạn, ngắn hạn, giáo sư và những người làm thực tiễn của Nhật Bản góp ý, đồng thời cũng đồng hành để xây dựng và hoàn thiện Bộ luật dân sự năm 2015. Tọa đàm này rất có ý nghĩa để xây dựng Nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm.
 

 
Thứ trưởng cho biết thêm, để có thể xây dựng các chính sách trình Chính phủ, trong năm 2018-2019, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tổng kết việc thi hành Nghị định số 163, cũng như đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015. Trên cơ sở đó Bộ Tư pháp đã đề xuất các chính sách lớn để xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó là các chính sách: hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản dùng để bảo đảm; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm theo hướng thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro và tác động tiêu cực.
Liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, xử lý tài sản bảo đảm đang là vấn đề rất lớn và cần tìm ra giải pháp để xử lý mà không xung đột với các văn bản pháp luật khác, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, ít rủi ro, đồng thời có sự đồng bộ với các quy định của pháp luật, tháo gỡ được các khó khăn, phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện nay đã được lấy ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan và đã đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi. Thứ trưởng mong muốn rằng, thông qua Tọa đàm này, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn sẽ chia sẻ nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định.
 

 
Đại diện Dự án JICA, ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và đẩy lùi thành công dịch Covid19. Ông Yokomaku Kosuke cũng nhắc lại sự kiện Thủ tướng mới của Nhật Bản - ông Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Điều này chứng tỏ Chính phủ Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác rất quan trọng. Cũng trong chuyến công du này, Bộ trưởng Tư pháp của hai nước đã ký được Biên bản ghi nhớ và đây là căn cứ để tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa hai nước về tư pháp và pháp luật. Ông Yokomaku Kosuke cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt công việc của mình tại Việt Nam.

 
Về dự thảo Nghị định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ông đánh giá cao Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng dự thảo Nghị định - đây là nhiệm vụ cấp bách đối với Bộ Tư pháp cũng như Việt Nam. Theo ông, trong tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vấn đề vốn đối với các doanh nghiệp và khối tư nhân ngày càng lớn, do vậy việc sửa đổi Nghị định lần này là cơ sở quan trọng giúp chúng ta mở nút thắt trong thị trường vốn và tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Ông hy vọng, Tọa đàm hôm nay với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học sẽ đem lại những đóng góp hữu ích cho việc xây dựng dự thảo Nghị định.
Trong buổi Tọa đàm, đại diện thường trực Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Việt Nam đã giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo. Đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm, bình luận về tài sản bảo đảm tại dự thảo Nghị định, về những vấn đề cần được hoàn thiện trong quy định xử lý tài sản bảo đảm và những vấn đề khác có liên quan…
 
 
An Như – Trung tâm Thông tin