Trong hai ngày 06 và 07/10/2020, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Công thương và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 19. Đây là kỳ ASLOM lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực ASEAN.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, các nước thành viên đã chứng kiến sự kiện bàn giao vai trò Chủ tịch ASLOM từ Lào (nước chủ nhà ASLOM 18) sang Myanma(nước chủ nhà ASLOM 19). ASLOM 19 vinh dự chào đón sự tham dự của đầy đủ đại diện các nước thành viên ASEAN, đặc biệt có sự tham dự của Tổng Chưởng lý Mi-an-ma, ông Htun Htun Oo và Thứ trưởng Bộ Tư pháp CHDCND Lào, ông Bounsavad BOUPHA.
Thay mặt Đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng ASLOM Việt Nam bày tỏ sự vui mừng được tham dự Hội nghị và gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ, Văn phòng Tổng chưởng lý nước chủ nhà Myanmar và Ban Thư ký ASEAN về những cố gắng, nỗ lực để có thể tổ chức Hội nghị ASLOM lần này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 10 (ALAWMM) và ASLOM lần thứ 18 diễn ra vào tháng 10 năm 2018 tại Viêng-chăn, Lào, thế giới và khu vực đã có những biến động trên các mặt kinh tế - thương mại lẫn chính trị - an ninh như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, quá trình Brexit kéo dài, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp… Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng từ đầu năm nay không chỉ gây thiệt hại lớn về người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các nước, trong đó có khu vực ASEAN. Các hoạt động hợp tác, giao lưu trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài bị ảnh hưởng khá lớn. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc dành ưu tiên hàng đầu cho ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, việc ASEAN vẫn thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, đặc biệt là tăng cường hợp tác ứng phó dịch bệnh, là những thành quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định vai trò trung tâm trong tiến trình vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. Việc triển khai Kế hoạch tổng thể trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 (APSC 2025) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận khi 96% dòng hành động trong Kế hoạch đã được đưa vào triển khai. Tuy nhiên, có 4/12 dòng hành động chưa được thực hiện liên quan trực tiếp tới lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Do đó, nhằm thúc đẩy việc triển khai các dòng hành động nói trên để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật đóng vai trò rất quan trọng mà hạt nhân là kênh hợp tác chuyên ngành của ASLOM và ALAWMM. Những trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến của các nước thành viên tại ASLOM lần thứ 19 này sẽ góp phần định hướng cho việc nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch APSC 2025 trong tiến trình 05 năm còn lại.
Trong phần khai mạc, ông Nguyễn Hữu Huyên đã thông báo sơ bộ với Hội nghị về tình hình triển khai các Sáng kiến đã được thông qua tại ALAWMM 10 cũng như các kỳ ALAWMM trước đây của Việt Nam. Với vai trò là một quốc gia thành viên, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN nói riêng và Cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là với vai trò đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với phương châm “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước thành viên trong việc triển khai thực hiện các Sáng kiến về xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, hài hòa hóa pháp luật thương mại ASEAN, Hội nghị ASEAN về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự; tăng cường trao đổi các Đoàn cán bộ pháp luật nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nước, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và thực thi các cam kết quốc tế.
Có thể thấy năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Với những thành quả mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN đạt được trong thời gian khó khăn vừa qua đã cho thấy việc Việt Nam lựa chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là hoàn toàn xác đáng. Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia thành viên ASEAN trong nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định của tòa án” vào ngày 04/11/2020. Diễn đàn này nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia thành viên ASEAN về thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng ASEAN thành một cộng đồng dựa trên luật lệ, củng cố và phát triển sức mạnh nội khối.
Trong ngày làm việc đầu tiên của ASLOM 19, các nước tham dự đã cùng nhau trao đổi về các nội dung chính như: (i) Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, (ii) Việc xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ, (iii) Thông tin về việc trao đổi các đoàn nghiên cứu giữa các nước, (iv) Chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN, (v) Báo cáo cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về Cơ quan đầu mối thông tin pháp luật ASEAN, (vi) Báo cáo cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về tự do hóa các nghề pháp lý tại các nước thành viên ASEAN, (vii) Báo cáo của Thái Lan về Hội nghị ASEAN về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, (viii) Báo cáo cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về hợp tác tư pháp giữa các nước ASEAN, (ix) Báo cáo cập nhật của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, (x) Tài liệu khái niệm của In-đô-nê-xi-a về tăng cường sự bảo vệ quyền của ngư dân trong ASEAN: từ góc độ trách nhiệm của doanh nghiệp, (xi) Báo cáo cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về Hội nghị Cộng đồng điều phối An ninh-Chính trị ASEAN, (xii) Báo cáo cập nhật của Lào về phối hợp giữa ASLOM và các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN.
Trong ngày làm việc thứ hai, Trưởng ASLOM các nước và đại biểu tham dự đã cùng trao đổi chuyên sâu về đề xuất của Thái Lan liên quan đến việc nâng tần suất họp ASLOM và ALAWMM; địa điểm, thời gian và phương thức thích hợp để tổ chức ASLOM 20 và ALAWMM 11. Kết thúc các ngày làm việc của ASLOM 19, các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN đã cùng thảo luận và cơ bản thống nhất một số nội dung chính sau đây:
(i) Về Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự
Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước thành viên ASEAN (ASEAN MLAT) được nâng cấp thành Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (ASEAN Treaty); AG MLAT và SOM MLAT được đổi tên thành Hội nghị Bộ trưởng/Tổng Chưởng lý các cơ quan trung ương ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (AMAG-MLAT) và Hội nghị quan chức cao cấp các cơ quan trung ương ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (SOM-MLAT); Ban Thư ký của MLAT do Malaysia thực hiện sẽ được chuyển giao cho Ban thư ký ASEAN để thực hiện vai trò của Ban thư ký MLAT; Brunei sẽ đăng cai tổ chức SOM-MLAT đầu tiên, dự kiến vào tháng 3/2021 bằng hình thức trực tuyến.
(ii) Về Hiệp định ASEAN về dẫn độ
ASLOM 19 ghi nhận dự thảo Điều khoản tham chiếu do Ban Thư ký ASEAN đề xuất về Hiệp định dẫn độ ASEAN dựa trên các ý kiến góp ý của Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore; nhất trí thành lập Nhóm công tác (Working Groups) về Hiệp định ASEAN về dẫn độ ASEAN; Singapore đề nghị đăng cai tổ chức phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác ASEAN về Hiệp định về dẫn độ (thời gian và địa điểm sẽ được thông báo sau); ASLOM mỗi nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm công tác này trước ngày 23/10/2020 để Ban Thư ký ASEAN có cơ sở chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên của Nhóm; Indonesia và Thái Lan cũng đề nghị đăng cai tổ chức Phiên họp lần thứ 2 và 3 của Nhóm công tác.
(iii) Về các Diễn đàn pháp luật ASEAN
Tại ASLOM 19, Thái Lan đã thông tin sơ bộ về kết quả Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 2 về chuyển giao người bị kết án phạt tù được tổ chức trong hai ngày 29 và 30/4/2019 tại Băng-cốc với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN, Viện Tư pháp Thái Lan, Ban Thư ký ASEAN và Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm. Tại ASLOM 19, Trưởng ASLOM Việt Nam đã thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 với chủ đề “
Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia thành viên ASEAN trong nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án” bằng hình thức trực tuyến vào ngày 04/11/2020.
(iv) Về Hội nghị ASEAN về tư pháp hình sự và phòng chống tội phạm (ACCPCJ)
Tiếp nối thành công của ACCPCJ lần 2, Thái Lan thông báo sẽ đăng cai tổ chức ACCPCJ lần thứ 3 vào năm 2022.
(v) Về đề xuất của Indonesia về tăng cường bảo vệ ngư dân trong ASEAN
ASLOM 19 đã trao đổi quan điểm về đề xuất của Indonesia và ghi nhận quan điểm của một số quốc gia thành viên ASEAN rằng vấn đề này có thể nằm ngoài phạm vi ASLOM. Để triển khai đề xuất này, ASLOM 19 đã đề nghị Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đại diện khác của Ban Thư ký ASEAN để kiểm tra xem các cơ quan khác của ASEAN có thể đưa đề xuất này của Indonesia vào chương trình nghị sự của họ hay không và thông tin tại kỳ ASLOM tiếp theo để xem xét thêm.
(vi) Về tần xuất họp ASLOM và ALAWMM
Các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về đề xuất của Thái Lan về tăng tần xuất các phiên họp ASLOM và ALAWMM.
(vii) Về trao đổi các đoàn nghiên cứu về pháp luật giữa các nước thành viên ASEAN
Các nước thành viên ASEAN (Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam) đã thông tin tại ASLOM 19 tình hình trao đổi các đoàn công tác, nghiên cứu trao đổi trong lĩnh vực pháp luật.
(viii) Về Chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN (AGLOP)
Tại ASLOM 19, Thái Lan thông báo sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề về phá sản vào tháng 6/2021.
(ix) Về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN
Bên lề ASLOM 19, các nước thành viên đã tham dự Phiên họp lần thứ 9 của Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN. Tại Phiên họp này, các nước thành viên đã cùng trao đổi và thảo luận với Hiệp hội luật gia ASEAN-ALA về dự thảo “Hướng dẫn các thực hành tốt trong việc thực thi các phán quyết trọng tài trong ASEAN”. Ngoài ra, các nước thành viên thống nhất sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan của nước mình về bản dự thảo Hướng dẫn và để ngỏ khả năng thông qua dự thảo Hướng dẫn tại ASLOM 20 vào năm 2021.
(x) Về tự do hóa các nghề pháp lý tại các nước thành viên ASEAN
Tại ASLOM 19, Ban Thư ký ASEAN đã có báo cáo cập nhật về tự do hóa các nghề pháp lý do Ủy ban Điều phối về Dịch vụ (CCS) thực hiện. Ngoài ra, Campuchia cũng thông tin tại Hội nghị về việc sửa đổi Luật về luật sư để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn các nghề pháp lý tại Campuchia. Việc sửa đổi Luật về luật sư cũng được cho là sẽ phù hợp với yêu cầu tự do hóa nghề luật sư theo cơ chế hiện hành của ASEAN. Tại Hội nghị, Việt Nam đã có báo cáo cập nhật về tiến độ và việc thực hiện các cam kết quốc tế về việc tiếp tục triển khai việc rà soát, xây dựng gói cam kết dịch vụ thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) nhằm nâng mức cam kết tại các phân ngành dịch vụ cũ và mở thêm các phân ngành dịch vụ mới, tham gia đàm phán và thẩm định dự thảo Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA).
(xi) Về hợp tác với Hội Luật Châu Á (ALA)
Ban Thư ký ASEAN đã cập nhật tại ASLOM 19 việc trao đổi và tham vấn với ALA về các lĩnh vực hợp tác giữa hai Bên, có thể là:
- Vai trò của ALA trong việc thúc đẩy nhận thức về các công cụ pháp lý ASEAN và việc thực thi các công cụ pháp lý này;
- Thúc đẩy tính pháp lý trong lĩnh vực thực thi phán quyết trọng tài;
- Thành lập “Ban chuyên gia” và vai trò của ALA trong việc giám sát sự tuân thủ phán quyết trọng tài.
Qua hai ngày làm việc chính thức hiệu quả và tích cực, ASLOM 19 đã thành công tốt đẹp. Sự thành công của ASLOM 19 không những đánh dấu sự chủ động gắn kết và thích ứng của các nước ASEAN trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, thiện chí của các nước thành viên ASEAN trong việc cùng chung vai sát cánh đối diện với những khó khăn và thách thức. Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại ASLOM 19 cũng thể hiện rõ vai trò của ta trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung, của Bộ Tư pháp nói riêng với tư cách là Trưởng ASLOM Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Phòng Hợp tác quốc tế khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Đại dương
Vụ Hợp tác quốc tế