Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan diễn ra sáng 16/10. Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật năm 2020) có nhiều nội dung mới, quan trọng và liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng văn bản, tổ chức và thi hành pháp luật của các địa phương. Vì vậy, việc kịp thời nắm bắt các quy định mới để vận dụng chính xác là hết sức quan trọng.
Thứ trưởng cũng cho biết, theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020. “Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng để đưa các quy định mới của Luật vào thực tiễn, giúp các Bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt và áp dụng hiệu quả trong công tác xây dựng văn bản”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến giới thiệu và quán triệt những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, một trong những nội dung mới đáng chú ý của Luật năm 2020 là quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Ngoài ra, Luật năm 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; thu hẹp phạm vi loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Tiếp đó, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Võ Văn Tuyển đã thông tin về Kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1323/QĐ-TTG ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1995/QĐ-BTP ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp…
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư phápTuyên Quang đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn như: trường hợp HĐND, UBND khuyết chức danh Chủ tịch thì ký văn bản như thế nào, trình tự, thủ thục ký văn bản; vấn đề quy định thời điểm xử lý với văn bản QPPL trái pháp luật; hình thức, thẩm quyền ký văn bản đính chính của HĐND, UBND… Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang đề nghị trong Nghị định sửa đổi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cần phải làm rõ được những vấn đề nêu trên.
Đồng tình với ý kiến trên, đồng chí Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Cà Mau cũng cho rằng cần phải làm rõ một số vấn đề liên quan: cách thức thực hiện đánh giá tác động chính sách; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế; chế độ, thù lao cho cán bộ làm công tác văn bản.
Đồng chí Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang lại đưa ra một số kiến nghị về vấn đề phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương; quan tâm hơn nữa đến công tác soạn thảo văn bản, công tác pháp chế, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác pháp chế và thẩm định văn bản; biên soạn cuốn sổ tay về quy trình, mẫu văn bản.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của các địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Qua đó, Thứ trưởng hy vọng khi triển khai Luật năm 2020 sẽ tạo ra bước đột phá mới, tạo chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng VBQPPL của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật năm 2020 và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Thứ trưởng đề nghị HĐND, UBND các tỉnh và TP trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nội sung sau: Tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tập huấn để nắm chính xác hơn, sâu sắc hơn các quy định mới của Luật năm 2020 trong đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật; Quan tâm, chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả văn bản liên quan đến công tác xây dựng pháp luât ở địa phương; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, cán bộ pháp chế sở ngành chuyên trách, cán bộ pháp chế theo vị trí công việc...
N.Dung