Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp: cần bình đẳng thực chất hơn nữa

30/12/2010
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, ngày 28/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp giai đoạn 2001 – 2010 và phương hướng hoạt động từ năm 2010 – 2015.

Ưu tiên lựa chọn công chức nữ

Báo cáo tổng kết tình hình triển khai Kế hoạch hành động VSTBPN ngành Tư pháp suốt 10 năm qua, Phó trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp Trần Văn Quảng khẳng định: Bộ Tư pháp đã thực hiện tương đối tốt mục tiêu VSTBPN trong công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Các công chức nữ có điều kiện, tiêu chuẩn bằng nam giới đều được ưu tiên lựa chọn trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng…

Ngoài vị trí Lãnh đạo Bộ luôn được quan tâm (có 1 Thứ trưởng) thì tỷ lệ lãnh đạo nữ ở các vị trí đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, số nữ công chức lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương chiếm 29%, cấp Phòng chiếm 53%; trong khi năm 2005 chỉ chiếm 16,5% và 48%. Đặc biệt, Bộ có 1 đồng chí nữ nguyên Thứ trưởng – Trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp hiện đang giữ chức vụ là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tại các cơ quan tư pháp địa phương, trong năm 2006 – 2008, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo Sở là 13%, cấp Phòng là 30% thì trong năm 2009 – 2010 tăng lên 18 và 32%.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: trong hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN, công chức nữ ngành Tư pháp đóng một vị trí, vai trò quan trọng. Với vai trò là người trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, họvừa là người hưởng thụ quyền bình đẳng do pháp luật quy định, vừa là người góp phần tạo lập, thực thi và hoàn thiện môi trường pháp luật vì sự bình đẳng, tiến bộ của giới mình.

Cần bình đẳng thực chất

Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết của Ban VSTBPN ngành Tư pháp cũng chỉ ra một số vấn đề khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động VSTBPN giai đoạn 2001 – 2010. Chẳng hạn: việc lồng ghép quan điểm giới và bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của ngành chưa đạt hiệu quả cao và chưa đồng đều giữa các đơn vị trong ngành, tỷ lệ nữ công chức tham gia lãnh đạo chưa tương xứng ở một số đơn vị…

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý ở chức vụ lãnh đạo càng cao thì càng thấp đi. Điều này xuất phát từ việc chính chị em ít thể hiện bản thân song có một cản trở khách quan là độ tuổi để được cử đi học, bổ nhiệm của nữ luôn thấp hơn so với nam giới. Vì vậy, nhằm duy trì tốt công tác VSTBPN và tạo bình đẳng một cách thực chất thì cần phải có cách tiếp cận, góc nhìn giới trong các hoạt động chuyên môn.

Còn theo nhóm chuyên gia tư vấn về công tác VSTBPN, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tư pháp nên tăng cường vai trò của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Qua đó, nhóm chuyên gia đã đề xuất 8 nội dung hoạt động như nghiên cứu, áp dụng Bộ công cụ đánh giá việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hỗ trợ Bộ Tư pháp thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự; pháp điển hóa các quy định pháp luật về bình đẳng giới…

Cẩm Vân