Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về công tác dân vận trong hoạt động hoà giải, chuẩn bị cho Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hoà giải” do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Toà án nhân dân tối cao tổ chức tới đây.
Xin Bộ trưởng cho biết mối liên hệ gắn kết giữa công tác dân vận và hoạt động hòa giải ở cơ sở?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Công tác dân vận góp phần quan trọng trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát huy dân chủ, là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”. Dân vận được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau và hoạt động hòa giải ở cơ sở được coi là một bộ phận, một phương thức của công tác dân vận.
Cụ thể, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã khẳng định mục tiêu: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hòa giải ở cơ sở chỉ rõ: Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, khẳng định đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; giúp giảm áp lực cho Tòa án và các cơ quan Nhà nước khác; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân.
Có thể thấy, dân vận và hòa giải ở cơ sở có cùng ý nghĩa, chung mục đích. Đó là duy trì, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy sức mạnh to lớn, quyền làm chủ, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vậy, xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và chủ thể thực hiện công tác này hiện nay như thế nào?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Có thể nói, dân vận “là công việc của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân”.
Hòa giải ở cơ sở là việc của Hòa giải viên. Tuy nhiên, hòa giải ở cơ sở cũng là mối quan tâm sâu sắc, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, trước hết là của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể nhân dân. Điều này được khẳng định rõ tại Chương V Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, hòa giải viên của các tổ hòa giải chủ yếu là thành viên các cơ quan, tổ chức cấu thành hệ thống chính trị. Vì vậy, trong đa số các trường hợp, khi thực hiện hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên vừa thực hiện trách nhiệm hòa giải viên, vừa thực hiện trách nhiệm của người làm công tác dân vận.
Công tác hòa giải ở cơ sở và công tác dân vận đều tuân thủ nguyên tắc tôn trọng ý chí, sự tự nguyện, không bắt buộc, áp đặt; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của Nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với phương thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục trên cơ sở gần dân, sát dân, hiểu dân, học dân.
Xét về mục đích, ý nghĩa xã hội, trách nhiệm, chủ thể, nguyên tắc, phương thức thực hiện thì hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Kết quả của công tác hòa giải là một phần của kết quả công tác dân vận.
Từ những năm 50 của thế kỷ XX, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng “Đề án hòa giải”, một nội dung quan trọng là nhấn mạnh ý nghĩa của công tác này trong việc bảo vệ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Hoà giải ở cơ sở là một hoạt động mang đậm tính nhân văn, vì con người và trên cơ sở tình người. Tính nhân văn là bản chất, chi phối đến toàn bộ mục tiêu, quá trình, kết quả của công tác này. Chúng tôi nhấn mạnh yếu tố này, chính là bắt nguồn từ mục tiêu của hoạt động hoà giải, nhằm gìn giữ tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong hàn gắn, vun đắp hạnh phúc cho từng gia đình, cộng đồng và cho xã hội. Cũng vì vậy, như một lẽ tự nhiên, hoạt động hoà giải có sức lan toả, có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội.
Lật giở những trang tư liệu lịch sử của ngành Tư pháp, mà đặc biệt là “Đề án hòa giải” do Bộ Tư pháp soạn thảo năm 1950, chúng ta càng thấm thía hơn về tính cách mạng và ý nghĩa lớn lao của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc bảo vệ sức mạnh của khối đoàn kết trong nhân dân, từ đó “làm cho chính quyền thêm vững vàng, kháng chiến mau thắng lợi và kiến quốc sớm thành công…”.
Đề án hòa giải lúc đó đã đưa những nhận thức đúng đắn về vai trò cách mạng của hòa giải đối với việc xây dựng một chính quyền nhân dân vững mạnh:
Thứ nhất, cần quan niệm việc hòa giải phải có một ý nghĩa và một tác dụng lớn lao trong chế độ dân chủ nhân dân. Chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam là chính quyền của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tham gia kháng chiến, kiến quốc. Chính quyền nhân dân dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Kết quả hòa giải thành sẽ làm tăng thêm tình thân ái, đoàn kết góp phần vào việc củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, làm cho chính quyền của nhân dân thêm vững vàng, kháng chiến mau thắng lợi và kiến quốc sớm thành công. Hơn nữa, trong thời điểm Đề án ra đời và nhất là trong vùng bị tạm chiếm, toàn dân đang cần siết chặt hàng ngũ chĩa tất cả mũi nhọn vào kẻ thù của dân tộc thì hòa giải để ổn định, đoàn kết, tăng cường sức mạnh dân tộc lại càng là một công việc trọng yếu.
Thứ hai, hòa giải phải đứng trên lập trường Nhân dân. Hòa giải có tác dụng củng cố khối đoàn kết của Nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất và phải dựa trên cơ sở vững chắc của những giai cấp cần lao. Hòa giải phải đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của Nhân dân. Hòa giải không phải là điều hòa giai cấp, đoàn kết không phải là thủ tiêu tranh đấu.
“Hòa giải không còn là một công việc chuyên môn của những cơ quan chính quyền nói chung hay đặc biệt là của những cơ quan tư pháp, mà là một hình thức đấu tranh của Nhân dân để bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân tiến tới xã hội chủ nghĩa, do đó Nhân dân và các đoàn thể giữ một vai trò quan trọng trong việc hòa giải”.
Hoà giải ở cơ sở là hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản. Hoạt động hoà giải có lịch sử tồn tại và phát triển cùng với lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước, kế tục truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cùng với những thay đổi của đời sống xã hội, dù trong hoàn cảnh nào, hoạt động hoà giải những tranh chấp nhỏ trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng, dân tộc vẫn không ngừng được phát huy.
Công tác hòa giải cơ sở những năm qua ngày càng thể hiện vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại cơ sở. Đạt được kết quả này, có vai trò không nhỏ của “dân vận khéo” không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Phải khẳng định, những năm qua công tác hoà giải đã được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, tạo nhiều điều kiện để duy trì, củng cố và phát triển. Nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo đã được vận dụng để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này, đưa hoạt động hoà giải ở cơ sở dần đi vào nền nếp, có chiều sâu, trở thành công cụ hữu hiệu để chính người dân có thể cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Những kết quả mà hoạt động hoà giải đạt được trong thời gian qua không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc phát huy công tác này, quan trọng hơn, nó còn mang lại những hiệu quả thiết thực về chính trị tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật...
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của công tác này trong lĩnh vực chính trị tư tưởng, gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận tại cơ sở. Công tác hoà giải trực tiếp giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nhân dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc khi đất nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Như vậy, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là mục tiêu của công tác dân vận.
Để thực hiện mục tiêu này, thì “dân vận khéo” được xác định là kim chỉ nam dẫn dắt, định hướng để triển khai công tác hòa giải, nghĩa là phải có quan điểm đúng đắn, tôn trọng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân; đồng thời phải dày công, kiên trì, có nhiều hình thức, phương pháp khéo vận động một cách nhuần nhuyễn, phù hợp, hiệu quả nhất. Công tác hòa giải cần thấm nhuần và vận dụng hiệu quả những phương pháp, hình thức của công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân. Có như vậy, công tác hòa giải của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa và đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng, xã hội ổn định, trật tự, bền vững và phát triển.
Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đối với một cộng đồng làng xã, đoàn kết là yếu tố rất quan trọng đối với việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng cộng đồng giàu mạnh, văn hoá, tiến bộ. Một cộng đồng đoàn kết sẽ góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Để giữ gìn sự đoàn kết một cách bền vững trong đó có vai trò tham gia của công tác hòa giải ở cơ sở, thì “Dân vận khéo” được coi là công cụ nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: baochinhphu.vn