Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về công tác xây dựng đảng gắn với công tác chính trị, chuyên môn

09/07/2020
Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về công tác xây dựng đảng gắn với công tác chính trị, chuyên môn
Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã gửi lời nhắn nhủ từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác xây dựng đảng gắn với công tác chính trị, chuyên môn hằng năm.
* Với tư cách Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị đồng chí cho ý kiến đánh giá về một số kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng với Đảng ủy Bộ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?
- Bộ trưởng Lê Thành Long: Trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ khá chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả. Tuy là hai tổ chức đảng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau nhưng cùng hoạt động trong một cơ quan, có chung đích đến là cùng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng Bộ, ngành trong sạch, vững mạnh toàn diện và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Nhận thức được điều đó, Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác và đạt nhiều kết quả nổi bật:
Một là, đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức học tập, phổ biến Nghị quyết Đại hội XII và hầu hết văn bản, nghị quyết của Trung ương dưới nhiều hình thức đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng Bộ; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để cán bộ, công chức yên tâm công tác, gắn bó với Bộ, ngành và nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Hai là, đã chú trọng khâu triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương, nhất là các văn bản, nghị quyết liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành như: Ban hành các chương trình hành động; thể chế hóa trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; xây dựng các mô hình, triển khai làm điểm, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Nổi bật là năm 2019 đã phối hợp tổng rà soát 1.961 văn bản, nghị quyết, từ đó đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết tại Bộ.
Ba là, đã phối hợp chặt chẽ và rất có hiệu quả trong lãnh đạo triển khai thực hiện và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, theo dõi thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác tư pháp...
Bốn là, phối hợp làm tốt công tác tổ chức bộ máy, cán bộ; quản lý và phát triển đảng viên, từ khâu tuyển dụng đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Đến nay, hầu hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đều bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và phát huy hết năng lực, sở trường ở vị trí công tác; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Năm là, phối hợp có hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm giữ vững kỷ cương, kỷ luật đảng; phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ.
* Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự báo nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp sẽ ngày càng nặng nề, bên cạnh thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức. Là Bí thư Ban cán sự đảng, đồng chí mong muốn gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Đảng ủy Bộ với Ban cán sự đảng và giữa cấp ủy với Thủ trưởng đơn vị?
- Bộ trưởng Lê Thành Long: Nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh thuận lợi, công tác tư pháp sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp sẽ nhiều hơn với yêu cầu cao, cả về chất lượng và tiến độ. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, ngay sau Đại hội, Ban cán sự đảng sẽ phối hợp với Đảng ủy Bộ; các cấp ủy cần phối hợp với Thủ trưởng đơn vị tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp công tác để xác định rõ nội dung, cơ chế phối hợp; trách nhiệm của từng chủ thể; định kỳ hằng năm tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác của mỗi bên.
Tôi mong rằng, trước hết, từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác xây dựng đảng gắn với công tác chính trị, chuyên môn hằng năm. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác xây dựng đảng, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức cán bộ và phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội. Phải coi đây là công việc hệ trọng, then chốt có tính quyết định để phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
Thứ hai, chú trọng tự học tập, quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, nghị quyết của Trung ương gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm. Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác; chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đi đúng đường lối chính trị; vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời động viên, khích lệ, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc về tư tưởng để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, tâm huyết và có nhiều cống hiến hơn nữa cho Bộ, ngành;
Thứ tư, làm tốt công tác phát triển đảng viên gắn với tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thường xuyên tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng đảng; chú trọng hơn nữa việc nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường công tác; phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, tuân thủ, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật để mọi vị trí công tác đều phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; được tham gia đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ngành tùy theo năng lực và khả năng của mỗi người.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hồng Thúy (thực hiện)