Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đã báo cáo kết quả xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Thông tư. Trên cơ sở nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư, trong thời gian vừa qua, Cục Đăng ký đã chủ động triển khai các hoạt động như: tiến hành sơ kết thực tiễn thi hành Thông tư số 08/2018/TT-BTP; trình Bộ trưởng ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Thông tư; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng vào ngày 19/5/2020;…
Theo đó, dự thảo Thông tư tập trung vào một số nội dung sửa đổi, bổ sung sau đây:
(1) Về các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, dự thảo Thông bổ sung việc đăng ký đối với 02 trường hợp là đăng ký các biện pháp bảo đảm khác bằng động sản không phải tàu bay, tàu biển, trừ cầm giữ tài sản và đăng ký các hợp đồng, giao dịch, văn bản thoả thuận khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển trong trường hợp cá nhân, pháp nhân có yêu cầu nhằm mục đích công khai hóa thông tin.
(2) Về tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, dự thảo Thông bổ sung thẩm quyền đăng ký của Trung tâm đối với tài sản là giá trị rừng sản xuất là rừng trồng; giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao trên cơ sở quy định của Luật Thủy sản, Luật lâm nghiệp; đồng thời dự thảo cũng sửa đổi quy định về tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, giao dịch hoặc căn cứ pháp lý khác;
(3) Về đăng ký trực tuyến đối với trường hợp không yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, dự thảo Thông tư bổ sung hướng dẫn, theo đó, cá nhân, pháp nhân nếu không yêu cầu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu nhưng có yêu cầu đăng ký trực tuyến thì có thể khởi tạo một tài khoản để thực hiện đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin;
(4) Về kê khai thông tin về bên bảo đảm, dự thảo Thông tư hướng dẫn kê khai thông tin về bên bảo đảm là cá nhân là công dân Việt Nam, ngoài kê khai số Chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân, còn bổ sung thêm thông tin là số giấy chứng minh được cấp theo quy định của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và viên chức quốc phòng;
(5) Về phạm vi thông tin được trao đổi, dự thảo Thông tư bổ sung phạm vi trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm đối với phương tiện giao thông
là xe ô tô chuyên dùng, xe máy chuyên dùng giữa Trung tâm Đăng ký với cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản;
(6) Về thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán, dự thảo Thông tư bổ sung quy định hướng dẫn về thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký đối với biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán khác không thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao công tác chuẩn bị của Cục cũng như những vấn đề mới mà Tổ thường trực đưa ra trong dự thảo Thông tư. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, đối với những vấn đề lớn mới được bổ sung vào dự thảo Thông tư như: tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm là giá trị rừng sản xuất là rừng trồng; giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao, thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký đối với các hợp đồng, giao dịch, văn bản thỏa thuận khác không phải là biện pháp bảo đảm, Cục cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để làm rõ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn, đặc biệt cần chú trong tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban chứng khoán Nhà nước…để đảm bảo sự thống nhất ý kiến đối với dự thảo trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan.