Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC

10/06/2020
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC
Sáng 10/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Việc áp dụng biện pháp cắt dịch vụ điện, nước tại địa điểm xảy ra vi phạm sẽ được thiết kế trong phạm vi áp dụng rất ít, hẹp và trong một số trường hợp rất đặc biệt.

Khẳng định đây là đạo luật quan trọng nên kỳ này Quốc hội mới xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã cố gắng cao nhất để xử lý một số vấn đề thực tế phát sinh trong quá trình quản lý, áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhưng đảm bảo được sự dung hòa, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Long, bên cạnh phần lớn các nội dung đã nhận được sự đồng tình thì còn một số nội dung chưa thống nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng gặp khó khăn trong xây dựng quy định.
Thứ nhất là chức danh có thẩm quyền xử phạt, liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nên phải được quy định trong Luật. Hiện các chức danh được liệt kê rất nhiều, đảm bảo quy định trong Luật nhưng khi có thay đổi thì rất hạn chế, khó sửa đổi kịp mỗi lần có chức danh mới.
Với điểm khó này, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra để có phương án tối ưu nhất, theo cách sẽ cố gắng tối đa liệt kê chức danh, nhưng đưa ra nguyên lý là trong trường hợp thay đổi chức danh, cơ quan của chức danh mà không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền thì sẽ theo hướng thừa kế.
Riêng đối với chức danh thanh tra chuyên ngành thì không thể liệt kê được hết, đặc biệt là cơ quan thành lập mới nên cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất theo hướng Chính phủ có thẩm quyền quy định nhưng phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự như vậy đối với các chức danh mới, các tổ chức mới được thành lập.
Thứ hai, về áp dụng một số biện pháp cưỡng chế như cắt dịch vụ điện, nước tại địa điểm xảy ra vi phạm. Về bản chất đã có sự thống nhất rằng đây là biện pháp áp dụng bổ sung để ngăn ngừa hoặc cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt hoặc áp dụng các biện pháp XLVPHC.
Điểm khác ở chỗ biện pháp này là cưỡng chế hay ngăn chặn? Chính phủ đề xuất là cưỡng chế theo hướng các biện pháp khắc phục hiện đang quy định trong Luật XLVPHC thì chưa có biện pháp cưỡng chế đối với đối tượng không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức xử phạt VPHC như đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nghĩa là chỉ thiết kế biện pháp này trong phạm vi áp dụng rất ít, hẹp, trong một số trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau nên Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội.
Thứ ba về tăng mức phạt tối đa, Chính phủ báo cáo Quốc hội, chủ yếu trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý, nhất là của các địa phương, cho rằng trong một số trường hợp, mức phạt tối đa chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, qua đánh giá tác động, thực tế cần thiết của các cơ quan quản lý nên Chính phủ chỉ “chốt” một số trường hợp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội để điều chỉnh cho phù hợp.
Cuối cùng là vấn đề xử lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy: Trong đó, đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Luật hiện hành chưa quy định biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, Chính phủ đưa biện pháp này vào với tinh thần quản lý sớm đối tượng này.
Đối với người nghiện ma túy, hiện đã có quy định nhưng theo địa phương phản ánh thì trình tự, thủ tục rườm rà, phức tạp, khó áp dụng nên cần đơn giản hơn, mang tính thiết thực hơn.
Hai nội dung của vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau về xử lý người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Chính phủ đưa ra 2 nhóm khác nhau, nhóm thứ nhất phải có biện pháp xử lý trong Luật để bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, quản lý và bảo đảm được lợi ích cho các em. Bởi báo cáo của Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, địa phương cho thấy tỷ lệ người chưa thành niên sử dụng trái phép, nghiện ma túy rất lớn nên phải có biện pháp quản lý. Sau này, sẽ xử lý đồng bộ với Luật Phòng chống ma túy.
Nhóm thứ hai cho rằng chưa bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các cháu, nhất là theo cam kết của nước ta trong các công ước quốc tế về quyền trẻ em nên chưa hẳn là phương thức quản lý, giáo dưỡng các em. Do đó, Chính phủ đưa ra xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.
H.Thư