Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện liên ngành ở địa phương (gồm đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Đoàn luật sư tỉnh...) để nghe báo cáo về tình hình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (chú trọng kiểm tra tình hình thực hiện Đề án "Quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015" và kết quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư 10) ở địa phương); trực tiếp trao đổi với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư; thăm, làm việc với cơ quan Tòa án nhân dân, kiểm tra việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trại tạm giam và nhà tạm giữ, phỏng vấn giám thị, quản giáo và phạm nhân về việc hướng dẫn cho bị can, bị cáo về trợ giúp pháp lý.
Đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả các tỉnh đã đạt được sau 04 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý như: Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm (bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc và thành lập các Phòng chuyên môn, phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý tại cấp huyện xa Trung tâm, tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, phát triển mạng lưới cộng tác viên); từng bước quan tâm bố trí biên chế, cán bộ cho Trung tâm trợ giúp pháp lý, đến nay ở Quảng Trị hiện có 11 biên chế, (04 Trợ giúp viên pháp lý); Hà Tĩnh hiện có 10 biên chế (04 Trợ giúp viên pháp lý); ở Nghệ An có 19 người (06 Trợ giúp viên pháp lý); công tác tài chính, cơ sở vật chất của các Trung tâm cũng từng bước nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ban ngành liên quan để bảo đảm cho Trung tâm thực hiện hoạt động nghiệp vụ như: bố trí kinh phí tăng theo các năm, trang bị máy tính, máy in, máy photocopy,… bố trí trụ sở riêng, phòng làm việc tại các vị trí thuận lợi để người dân dễ tiếp cận (Hà Tĩnh, Quảng Trị), trang bị ôtô để thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động (Quảng Trị),…
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức truyền thông khác nhau (tờ gấp, pano, loa truyền thanh, băng catssette, đĩa CD,… ) cũng từng bước được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã được đẩy mạnh và mang tính chuyên nghiệp; công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng từng bước được thực hiện.
Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các ngành tại các địa phương cũng đã được chủ động triển khai như: tổ chức quán triệt tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10 đến toàn thể các cán bộ, chiến sĩ trong ngành; phối hợp đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam và nhà tạm giữ (Quảng Trị: 103 bảng, Hà Tĩnh: 37, Nghệ An: 70). Đặc biệt tại Nghệ An, các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Thông Tư 10 tại các cấp, các ngành thành viên nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 10 tại địa phương. Qua thực tiễn kiểm tra tại trại tạm giam, nhà tạm giữ và phỏng vấn phạm nhân cho thấy các cơ quan đã có sự tuân thủ trong việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý, nhiều phạm nhân đã được người tiến hành tố tụng giới thiệu với Trung tâm trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ. Các Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý cho biết các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho luật sư khi họ thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đúng thời hạn, việc tiếp xúc với bị can, bị cáo người bị tạm giữ đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi.
Trong những năm qua, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 31.300 vụ việc (Quảng Trị: 8170 vụ việc, Hà Tĩnh: 4092 vụ việc; Nghệ An 19068 vụ việc) cho hơn 32000 người được trợ giúp pháp lý. Các vụ việc ngày càng có chất lượng tốt hơn nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Trong đó có 1532 vụ việc tham gia tố tụng (Hà Tĩnh có 230 vụ việc, Quảng Trị có 451 vụ và ở Nghệ An có 851 vụ việc).
Một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, kinh phí của Hội đồng phối hợp liên ngành tố tụng, kiểm tra, đánh giá việc triển khai các quy định của Thông tư số 10 trên địa bàn tỉnh, hiệu lực của giấy chứng nhận đại diện, bào chữa cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên (có giá trị trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo), cách thức thông tin, giới thiệu cho phạm nhân về quyền được trợ giúp pháp lý hay sự tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý của cán bộ đang công tác tại các cơ quan tiến hành tố tụng,… đã được Đoàn kiểm tra kịp thời trao đổi, tháo gỡ ngay tại buổi làm việc.
Trần Nguyên Tú