Đây là quan điểm được nhiều đại biểu đề cập tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã diễn ra vào chiều 12/2 do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì.
Thực tiễn thi hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) cho thấy tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ phức tạp. Trong khi đó, quy định pháp luật về các lĩnh vực này chưa rõ ràng, chế tài xử phạt VPHC chưa nghiêm, mức xử phạt VPHC quá thấp, các chế tài về thu hồi Giấy phép hoạt động, cấm hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thanh tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... chưa có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 110/2013/NĐ-CP là rất cần thiết.
Góp ý về thẩm quyền xử phạt VPHC, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Vũ Văn Đoàn cho rằng cần phân định rõ thẩm quyền theo hướng lĩnh vực nào thì thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, lãnh đạo quản lý lĩnh vực đó. Vì vậy, cần cân nhắc, nghiên cứu thêm về thẩm quyền xử phạt VPHC của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đối với cả hành vi trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, THADS của Thừa phát lại như đã được quy định trong dự thảo Nghị định.
Riêng đối với hoạt động của Thừa phát lại, ông Đoàn đề xuất bổ sung thêm các hành vi liên quan đến việc lập khống các giấy tờ về chứng minh thời gian công tác pháp luật để được bổ nhiệm chức danh Thừa phát lại… Lý giải thêm, ông Đoàn cho rằng hành vi này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực tế mà chưa có chế tài xử lý, cho nên nếu bỏ sót sẽ rất khó cho công tác thanh tra chuyên ngành.
Liên quan tới các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật Lê Thanh Bình cho rằng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa, làm sai các giấy tờ, văn bản… cần rà soát kỹ lưỡng để việc áp dụng đồng thời biện pháp tịch thu và biện pháp kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ văn bản này đảm bảo tính khả thi. Bởi thực tế hiện nay các văn bản, giấy tờ chia 2 loại gồm văn bản, giấy tờ do Bộ Tư pháp cấp và văn bản, giấy tờ sử dụng trong các hồ sơ gửi đến Bộ Tư pháp, thuộc thẩm quyền cấp của các cơ quan khác nhau. Do đó, việc tịch thu hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn do Bộ Tư pháp cấp là hợp lý nhưng việc tịch thu với các giấy tờ, văn bản sử dụng trong các hồ sơ gửi đến Bộ Tư pháp là khó khả thi.Góp ý thêm, ông Bình cho rằng khung phạt tiền giữa các hành vi vi phạm trong dự thảo Nghị định đã được bố trí khá hợp lý. Tuy nhiên, mức xử phạt các hành vi liên quan đến việc hủy hoại các giấy tờ về quốc tịch còn khá cao, do vậy đề nghị cân đối thêm để đảm bảo cùng một hành vi nhưng ở các lĩnh vực quản lý khác nhau (như lĩnh vực quản lý hộ chiếu, lĩnh vực an ninh trật tự) được tương đối thống nhất.
Cũng cho ý kiến về các hình thức xử phạt bổ sung, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho rằng ngoài việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC cần bổ sung tịch thu các văn bản, giấy tờ vi phạm để đảm bảo tính toàn diện. Ngoài ra, đối với các vi phạm trong lĩnh vực cụ thể như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử… nên quy định rõ các giấy tờ sẽ bị xử lý là giấy đăng ký khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử đã cấp chứ không nên ghi chung chung. Riêng đối với vấn đề đăng ký kết hôn, để đảm bảo tính bao quát, toàn diện thì ngoài trường hợp cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân cũng cần quy định nếu cung cấp không chính xác các thông tin khác có liên quan như về nơi cư trú cũng sẽ bị xử phạt.
Cơ bản đồng tình với các quy định liên quan tới lĩnh vực THADS, ông Lê Dương Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS cho rằng dự thảo Nghị định mới chỉ đề cập tới việc xử phạt trường hợp không cho đương sự thỏa thuận tổ chức thẩm định giá mà chưa quy định trường hợp không cho đương sự thỏa thuận để lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, hoạt động thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thường đi liền với nhau, do vậy cần nghiên cứu bổ sung thêm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến cụ thể của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh đây là dự thảo Nghị định vô cùng quan trọng, là công cụ phục vụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước của toàn ngành Tư pháp. Vì dự thảo Nghị định có phạm vi rộng với nhiều hành vi vi phạm, liên quan và dẫn chiếu đến nhiều quy định pháp luật chuyên ngành khác nhau nên Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần rà soát một cách kỹ lưỡng để đảm bảo khi áp dụng được thuận lợi, khả thi, vừa tăng cường tính răn đe, vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Sau khi các đơn vị góp ý cụ thể, đầy đủ, Thanh tra Bộ cần tổng hợp, nghiên cứu sâu, có phương án chỉnh lý để dự thảo Nghị định phù hợp với thực tiễn hiện nay.