Từng bước trở thành địa chỉ tin cậy
Ông Hoàng Văn Chất, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Sơn La là một tỉnh miền núi cao, có diện tích 14.174km2 và có tới 250km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào. Tỉnh có 10 huyện, 1 thành phố và 20 xã, phường thị trấn với 3.232 bản, tiểu khu, tổ dân phố nhưng trong đó có tới 5 huyện nghèo, 90 xã, 1.119 bản đặc biệt khó khăn, 17 xã, 308 bản biên giới. Những đặc điểm này tác động không nhỏ tới công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh.
Năm 2010, lãnh đạo tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến cấp địa phương như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp; tăng cường công tác tổ chức bộ máy và cán bộ cơ quan tư pháp; tập trung chỉ đạo tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát trong hoạt động tư pháp, việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật….
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND cũng như các cơ quan chức năng khác của tỉnh như Công an, Kiểm sát, Tòa án, Nội vụ, Tài chính…, trong năm 2010, công tác Tư pháp, THADS tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, là “địa chỉ tin cậy” trong công tác tham mưu, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật cho HĐND, UBND các cấp của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Chất đánh giá cao vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong việc giải quyết vấn đề quốc tịch cho một số lượng lớn đồng bào không quốc tịch sinh sống trên địa bàn; vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài của bà con sinh sống khu vực biên giới Việt - Lào, góp phần phục vụ tốt cho công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp trong thời gian tới đây.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Lường Văn Chựa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cho biết: năm 2010, công tác tư pháp Sơn La được toàn ngành triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch của Bộ và của Tỉnh. Ngành Tư pháp đã thực sự trở thành lực lượng tham mưu đắc lực, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho chính quyền các cấp thông qua việc thẩm định VBQPPL trước khi ban hành, chủ động đề xuất với UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong công tác chỉ đạo, điều hành. Điều đáng ghi nhận là các mặt công tác như hành chính tư pháp, trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng thực… đã có những chuyển biến rõ nét.
|
|
Đặc biệt, việc rà soát các trường hợp không quốc tịch để giải quyết cho nhập quốc tịch theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008 đã cơ bản hoàn thành. Trong số 516 trường hợp xin nhập quốc tịch, Sở đã hướng dẫn cụ thể cho 508 trường hợp đủ tiêu chuẩn, phấn đấu giải quyết xong trong quý I/2011. Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo và duy trì mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm ma túy” xã Chiềng Cọ, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La; phối hợp chặt chẽ với các ngành tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình điểm “Câu Lạc bộ pháp luật” và tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng, phát huy hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, các tầng lớp nhân dân thông qua hình thức câu lạc bộ pháp luật. “Trong điều kiện tỉnh có tới 5 huyện nghèo, 90 xã, 1.119 bản đặc biệt khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ được Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng” - Ông Lường Văn Chựa khẳng định.
Về công tác THADS, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Cục trưởng Cục THADS Sơn La, năm 2010 là năm thứ hai thực hiện Luật THADS, các cơ quan THADS trong tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với công tác THADS trên địa bàn. Trong thời gian qua, ngành THADS Sơn La đã từng bước được quan tâm củng cố về tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ ngày càng được bổ sung về số lượng và chất lượng. Đó là mặt thuận lợi để ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, từng bước đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, THADS Sơn La đã thi hành xong 3.984/4.540 việc có điều kiện thi hành, đạt 87,7%, vượt 3,7% so với chỉ tiêu được Bộ giao. Số tiền thu được cũng tăng so với năm 2009, vượt 14,6% so với chỉ tiêu được giao; số án tồn đọng giảm so với năm trước.
Tuy nhiên, những khó khăn mà Tư pháp, THADS đang gặp phải là tình trạng thiếu cán bộ, thiếu đội ngũ luật sư, sự gắn kết chưa chặt chẽ của tư pháp cơ sở với các cơ quan chức năng khác của địa phương, tình trạng án tồn đọng còn lớn, kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ còn thấp và đôi khi cả là sự lúng túng trong việc phân biệt thế nào là văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ động “lăn” vào những nhiệm vụ quan trọng
Đánh giá cao những nỗ lực của Tư pháp, THADS Sơn La, nhất là trong việc nâng cao vị thế ngành Tư pháp, THADS tại địa phương trong năm qua nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng bày tỏ sự trăn trở trước những việc mà Tư pháp, THADS chưa làm được, nhất là việc thiếu cán bộ, thiếu đội ngũ luật sư, án tồn đọng còn nhiều….
“Tuy đánh giá Tư pháp, THADS Sơn La ở vào mức khá so với các địa phương trong cả nước, nhưng thực sự Tư pháp, THADS Sơn La vẫn chưa đạt được hạng A, chưa tận dụng hết được những thế mạnh của mình” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định. Bởi vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tư pháp, THADS phải chủ động “lăn” vào những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, góp phần thực sự vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Sơn La trong thời gian tới.
Bàn về công tác chuẩn bị thành lập Trường trung cấp Luật Sơn La vào năm 2012, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong nhận được sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền địa phương ngay từ đầu để công tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp cơ sở cho khu vực Tây Bắc thực sự hiệu quả. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của Sơn La đều nhất trí với đề nghị này và cũng mong Bộ Tư pháp bàn sớm chủ trương về mặt bằng cũng như các điều kiện cần thiết khác cho việc xây dựng Trường.
Hồng Thúy