Hôm qua (09/12/2010), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội thảo “Kinh nghiệm của CHLB Đức về lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người”.
Tham dự hội thảo có 50 đại biểu, bao gồm 02 chuyên gia đến từ Đức, đại diện của tổ chức Oxfam Quebec, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Viện Khoa học pháp lý) và đại diện một số cơ quan hữu quan như: Văn phòng Quốc hội (Vụ Tư pháp), Bộ Công an (Vụ Pháp chế), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế), Toà án nhân dân tối cao (Viện Khoa học xét xử), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1A, Viện Khoa học kiểm sát), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Ban Chính sách luật pháp), Đoàn luật sư thành phố Hà Nội,... Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Với mục đích tìm hiểu kinh nghiệm của CHLB Đức về vấn đề lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người và lấy ý kiến góp ý, bình luận của chuyên gia Đức về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người của Việt Nam, Hội thảo đã được nghe ông Ông Marcus Preusse, Ủy viên công tố của CHLB Đức cung cấp nhiều thông tin bổ ích liên quan đến các quy định của pháp luật về phòng ngừa và chống tội phạm mua bán người ở Đức; những khó khăn, vướng mắc mà các lực lượng thực thi pháp luật ở quốc gia này gặp phải trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Tuy diễn biến tình hình tội phạm mua bán người ở Đức không thực sự nghiêm trọng (trong năm 2009 chỉ phát hiện 24 vụ), đến thời điểm này Đức cũng chưa có một đạo luật riêng về phòng, chống mua bán người, nhưng pháp luật Đức đã có các quy định nhằm chống lại các hành vi bóc lột mại dâm, bóc lột lao động, sử dụng lao động trẻ em, lấy các bộ phận cơ thể - các hình thức biểu hiện các nhau của tội phạm mua bán người. Các cơ quan chức năng ở Đức cũng đã thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để giảm thiểu các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh các vụ việc liên quan đến bóc lột mại dâm, bóc lột lao động và sử dụng lao động trẻ em. Tiến sĩ Preusse cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương xây dựng một luật riêng về phòng, chống mua bán người của Việt Nam, đồng thời có nhiều bình luận sâu sắc về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người trên cơ sở đối chiếu, so sánh với chuẩn mức quốc tế và kinh nghiệm của Đức về phòng, chống mua bán người.
Tại hội thảo, ông Đinh Văn Trình - đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an cũng chia sẻ với các chuyên gia Đức và đại biểu tham dự hội thảo nhiều thông tin cập nhật về thực tiễn đấu tranh phòng, chống mua bán người tại Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010 (Chương trình 130/CP).
Trên cơ sở phần trình bày của các chuyên gia hai nước, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi và cùng trao đổi, thảo luận để có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về kinh nghiệm của Đức trong lập pháp, thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người và thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Hội thảo cũng đã tìm được một nhận thức chung về tính nghiêm trọng, phức tạp của tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng; về tầm quan trọng của công tác lập pháp và thực thi pháp luật cũng như về sự cần thiết phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong nước và hợp tác song phương, đa phương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới mới có thể phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ được loại tội phạm nguy hiểm, mang tính chất xuyên quốc gia này.
Đặc biệt, thành công của Hội thảo lần này cũng mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật với Bộ Tư pháp nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia./.
Nguyễn Hải Anh, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp