Ứng dụng công nghệ thông tin phải thực chất và hiệu quả

08/01/2020
Ứng dụng công nghệ thông tin phải thực chất và hiệu quả
Ngày 08/01, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Cục Công nghệ thông tin. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cùng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và đông đảo cán bộ công chức, viên chức thuộc Cục.
Nhiều phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu điện tử được nâng cấp, phát triển và đưa vào sử dụng rộng rãi
Trong năm 2019, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử ngành Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ đặt ra. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai toàn diện trong các lĩnh vực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp, hướng tới xây dựng một chính phủ điện tử hiện đại hóa đảm bảo Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.
 

 
Trong lĩnh vực Hộ tịch, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục triển khai đăng ký trực tuyến trên Hệ thống thông tin đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch. Tính đến tháng 12/2019, Cục đã hoàn thành việc đào tạo, hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cho 63 Sở Tư pháp trên toàn quốc.
Cục cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho 17.500 lượt công chức tư pháp hộ tịch tại 10.373 UBND cấp xã. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã được hình thành và đồng bộ tại 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 7,2 triệu trường hợp đăng ký khai sinh, gần 1,7 triệu hồ sơ được đăng ký kết hôn; gần 1,1 triệu trường hợp được đăng ký khai tử và hơn 2,5 trệu các sự kiện đăng ký hộ tịch khác.
Cùng với đó, Cục đã triển khai liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế. Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin cũng thành lập Tổ hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch cho các cán bộ tư pháp, với hàng trăm lượt hỗ trợ, giải quyết vướng mắc phát sinh trong ngày.
 

 
Đối với hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành, Cục đã tích cực phối hợp các đơn vị triển khai Quyết định số 28/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, và bước đầu đạt những kết quả nhất định.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ được nâng cấp, kết nối với Hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo việc gửi/nhận văn bản qua trục liên thông, góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử.
 

 
Tính riêng năm 2019, văn bản đến liên thông là 16.815 văn bản; Văn bản đi liên thông là: 5.038 văn bản; Văn bản đi đã ký số là: 8.180 văn bản.
Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng và triển khai nhiều phần mềm ứng dụng khác phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ như: Phần mềm Cơ sở dữ liệu thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; Phần mềm quản lý cán bộ thi hành án dân sự; Phần mềm quản lý tổ chức hành nghề công chứng; Phần mềm quản lý thông tin đấu giá tài sản; Phần mềm thống kê Ngành Tư pháp….
Hệ thống hội nghị truyền hình của Bộ tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ hơn 80 cuộc họp giao ban trực tuyến, góp phần đẩy mạnh đổi mới phương thức làm việc, tăng cường các cuộc họp trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian họp.
 

 
Đối với việc triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trong năm 2019 việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong một số lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đạt hơn 1 triệu hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã giúp người dùng thuận tiện trong việc tra cứu hiệu lực của văn bản và thuận lợi áp dụng và thực thi trong thực tế. Tính đến hết tháng 12/2019, các Bộ, ngành, địa phương đã cập nhật được 5.063 văn bản, nâng tổng số lượng văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đến nay là 105.502 văn bản.
 

 
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả khai thác và sử dụng văn bản, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục đôn đốc pháp chế Bộ, ngành địa phương cập nhật, rà soát văn bản và đăng tải kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
2019 là năm thứ hai liên Bộ Tư pháp đứng đầu về chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử
Cũng trong năm vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã được đầu tư bổ sung nâng cấp đồng thời không ngừng tăng cường chất lượng thông tin, tiếp tục cung cấp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, phục vụ hoạt động tác nghiệp, phối hợp của các cá nhân, đơn vị trong ngành Tư pháp.
 

 
Theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tư pháp năm thứ hai liên tiếp đứng đầu về chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử.
Trong năm 2019, để các hệ thống thống tin, phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu hoạt động an toàn, liên tục, thông suốt, hiệu quả, Cục CNTT đặc biệt chú trọng việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và an toàn thông tin.
Hệ thống máy chủ và lưu trữ được thiết lập tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ đã và đang từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc.
Cục đã thực hiện việc giám sát thường xuyên hệ thống, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về an toàn thông tin; kiểm soát và ngăn chặn thành công các cuộc tấn công, dò quét từ mạng Internet vào hệ thống thông tin và mạng máy tính của Bộ Tư pháp; đảm bảo an toàn gửi, nhận trên thư, chặn lọc các thư rác, thư giả mạo, thư có đính kèm mã độc.
 

 
Năm 2020 Cục Công nghệ thông tin sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng, khai thác hiệu quả các phần mềm đã xây dựng, triển khai như: Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; Đảm bảo hạ tầng thiết yếu hoạt động ổn định, an toàn, liên tục cho các ứng dụng, hệ thống thông tin tại Trung tâm Dữ liệu điện tử thuộc Bộ; Triển khai mở rộng Hệ thống Hội nghị truyền hình đến các Chi cục Thi hành án dân sự trên toàn quốc theo lộ trình, kế hoạch được phê duyệt cùng nhiều nhiệm vụ khác.
 
Thành công của ứng dụng công nghệ thông tin chính là ở sự kết nối, chia sẻ
Đánh giá cao nỗ lực của Cục Công nghệ thông tin trong việc xây dựng, triển khai, vận hành các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu điện tử cũng như việc bảo đảm cơ sở hạ tầng, bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định thành công của Bộ, ngành, của các đơn vị thuộc Bộ có sự đóng góp quan trọng của Cục Công nghệ thông tin. Nhấn mạnh rằng, mặc dù được các Bộ, ngành, Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá cao về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng chia sẻ trăn trở của mình về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, ngành hiện nay. Thứ trưởng cho rằng, vẫn còn có tình trạng sử dụng các phần mềm ứng dụng chưa triệt để hay vấn đề quá tải của hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ cũng như vấn đề nguồn lực tài chính, con người. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ thông tin nghe thì dễ, nhưng để làm đúng và hiệu quả không hề dễ dàng”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải thực chất, đem lại hiệu quả.
Thứ trưởng mong muốn rằng, các đơn vị khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, phải tổng kết được rằng, việc ứng dụng đó đã đem lại những kết quả cụ thể như thế nào. Đồng thời, phải làm sao để khẳng được giá trị, hiệu quả, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại mới. Theo Thứ trưởng, thành công của ứng dụng công nghệ thông tin chính là ở sự kết nối, chia sẻ. Do đó, Thứ trưởng đặc biệt đề cao việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu các cơ sở dữ liệu hiện có để tiết kiệm chi phí cũng như phát huy được hết hiệu quả của các phần mềm ứng dụng, các cơ sở dữ liệu hiện có của Bộ, ngành.
An Như  - Trung tâm Thông tin