Sáng 3/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã dự Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Cục Bồi thường nhà nước (BTNN) và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Hai Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn và Phạm Tuấn Ngọc đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Nguyễn Kim Tinh, đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ cùng đông đủ cán bộ, công chức của hai đơn vị.
Phó Cục trưởng Cục BTNN Trần Việt Hưng cho biết, so với năm 2018, kết quả công tác bồi thường năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Theo đó, 100% các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã hoàn thành, trong đó một số hoạt động trọng tâm đã hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng. Công tác xây dựng thể chế, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác BTNN được tổ chức theo hướng chuyên sâu cho các đối tượng là những công chức thực hiện công tác BTNN cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Công tác hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong áp dụng pháp luật và hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường khi có yêu cầu, đề nghị được tập trung triển khai hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại…
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Cục BTNN với các bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn khó khăn; hoạt động kiểm tra còn ít về số lượng nên chưa đáp ứng yêu cầu nắm bắt đầy đủ thông tin…
Vì vậy, trong năm 2020, Cục BTNN xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tổ chức thi hành hiệu quả Luật 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; triển khai đồng bộ hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN; chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, địa phương, tập trung phối hợp giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài…
Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Hồng Hải, năm 2019, Cục đã áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành kế hoạch công tác của đơn vụ. Nhìn chung, công tác của Cục được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu công việc.
Cụ thể, đã xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; công tác hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả. Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm mức độ 4 đã có số lượng đơn đăng ký trực tuyến tăng lên 71% trong tổng số đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm…
Bên cạnh kết quả đạt được, một số công việc còn chậm so với tiến độ đề ra, trong đó có việc xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dung đất, tài sản gắn liền với đất.
Bước sang năm 2020, Cục sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng văn bản, đề án; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật, bồi dưỡng và tập huấn về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời sẽ phấn đấu thu hút tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức đăng ký trực tuyến đạt tỷ lệ 75 – 80%; hoàn thiện phần mềm đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản, tạo thuận lợi tốt nhất trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Nguyễn Kim Tinh biểu dương các kết quả công tác của hai Cục đã góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí lưu ý năm 2020 bắt đầu tiến hành Đại hội Đảng các cấp nên hai Cục cần quan tâm tổ chức tốt và làm công tác tư tưởng để chuẩn bị triển khai các quy định về lương thưởng, thu nhập.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà nhận thấy công tác cán bộ, sắp xếp đội ngũ năm 2019 của hai Cục đã tạo sự đồng thuận trong nội bộ đơn vị cũng như được Bộ quan tâm bổ sung biên chế. Năm 2020, đồng chí đề nghị hai Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường đoàn kết, trách nhiệm nêu gương; hoàn thiện vị trí việc làm theo quy định của Trung ương, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ để phát huy cao nhất sở trường của từng cán bộ, công chức…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận những thành tích nổi bật của hai Cục, nhất là trực tiếp phối hợp với các bộ, ngành giải quyết một khối lượng rất lớn yêu cầu của người dân. Qua đó, đóng góp vào thành công của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung. Thứ trưởng trăn trở công tác đăng ký là một trong số ít lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ chưa có đạo luật nào điều chỉnh, còn công tác BTNN lại liên quan đến quyền con người, phải phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm của các cơ quan nhà nước, không để xảy ra thiệt hại cho người dân…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu hai Cục rà soát kỹ các khó khăn, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong năm 2020.
Hội nghị đã nghe công bố Quyết định công nhận tập thể lao động xuất sắc, Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 9 cá nhân có thành tích xuất sắc của hai Cục.
H.Thư