Ngày 20/12, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Chẳng hạn, đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, cần tăng/bổ sung mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như tăng đối với giao thông đường bộ, kinh doanh bất động sản… và bổ sung lĩnh vực tín ngưỡng, an toàn thông tin mạng… Đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính,cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…
Vì vậy, việc sửa đổi Luật XLVPHC là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Dự thảo này sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều; sửa kỹ thuật 13/142 điều; bổ sung mới 02 điều; bãi bỏ nội dung liên quan đến 06 điều của Luật XLVPHC hiện hành và 01 điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các thành viên Hội đồng phát biểu các nội dung cần thẩm định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Dự thảo với hệ thống pháp luật… Riêng các vấn đề cần xin ý kiến, Thứ trưởng lưu ý đến các vấn đề mà đơn vị chủ trì soạn thảo báo cáo, trong đó có việc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới chưa được quy định trong Luật XLVPHC, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vấn đề bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới chưa được quy định trong Luật XLVPHC hiện hành nhận được sự quan tâm của các thành viên Hội đồng. Cho rằng các chức danh mới đều có cơ sở pháp lý, các thành viên Hội đồng đã đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt tương ứng với các chức danh đó. Cụ thể, thành viên đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (đơn vị thành lập sau khi có Luật XLVPHC). Đại diện đến từ Bộ Công Thương thì đề nghị trao thẩm quyền cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh với lý giải lĩnh vực cạnh tranh…
Nhận định rằng vướng mắc đầu tiên và hiện chưa có phương án giải quyết chính là thẩm quyền xử phạt, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh phân tích: Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy vừa qua, các đơn vị có rất nhiều thay đổi, chứ không chỉ thay đổi như quy định tại Điều 53 Luật XLVPHC là thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi chức năng, nhiệm vụ.
Dẫn chứng thực tế trong ngành Công an, ngoài thay đổi tên đơn vị (không thay đổi chức năng, nhiệm vụ), Bộ Công an còn có 2 dạng thay đổi khác với điểm căn bản là không còn Tổng cục. Theo đó, có đơn vị đổi tên đồng thời thay đổi chức năng, nhiệm vụ nhưng chủ yếu là bổ sung thêm chức năng; không đổi tên gọi nhưng thêm chức năng nhiệm vụ. Bởi thế, theo ông Khánh, phương án xử lý là giao Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì an toàn nhưng lại tạo độ trễ nhất định trong thực tiễn quản lý nhà nước.
T.Quyên