Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp với các Bộ, ngành sáng 12/12 về dự thảo Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 13 luật, nghị quyết bao gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (3) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước;(4) Luật Thư viện;(5) Luật Lực lượng dự bị động viên; (6) Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); (7) Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; (9) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (10) Bộ luật Lao động (sửa đổi); (11) Luật Chứng khoán (sửa đổi); (12) Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách; (13) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
|
|
Ngày 03/12/2019, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ để trao đổi, thảo luận về các nội dung trong các luật giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết; đồng thời, góp ý sơ bộ về nội dung của dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định, phân công chủ trì soạn thảo, thời hạn trình ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát các nội dung được luật, nghị quyết giao quy định chi tiết (trên cơ sở các đã được Quốc hội thông qua). Trên cơ sở rà soát, các luật, nghị quyết dự kiến giao quy định chi tiết 139 nội dung.
|
|
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đơn vị có liên quan tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: các nội dung dự thảo Quyết định đã đầy đủ, đúng quy định chưa? Phân công trách nhiệm chủ trì đã phù hợp chưa? Thời hạn dự kiến trình Chính phủ đã hợp lý chưa? Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, hiện nay, các luật có hiệu lực từ 01/7/2020, đa số các bộ đề xuất thời hạn trình văn bản là tháng 4/2020, các luật có hiệu lực từ 01/01/2021, đa số các bộ đề xuất thời hạn trình văn bản là tháng 10/2020. Nếu dồn nhiều văn bản vào cùng một thời điểm như vậy sẽ gây khó khăn cho Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định và Văn phòng Chính phủ trong quá trình xử lý hồ sơ trình của các Bộ. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị đối với những văn bản có nội dung đơn giản, các bộ đẩy sớm thời gian soạn thảo và thời gian trình để tránh tình trạng dồn việc cho Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trong cùng 1 thời điểm. Thứ trưởng mong muốn các đơn vị có liên quan nỗ lực thực hiện và phối hợp có hiệu quả để đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng của các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
|
|
Thống nhất việc không nên trình văn bản vào cùng một thời điểm, các đại biểu tham dự cuộc họp đã nghiêm túc thảo luận, trao đổi ý kiến về các nội dung như: sự cần thiết của việc ban hành văn bản, tình hình triển khai xây dựng văn bản, chuyển đổi cơ quan chủ trì văn bản cho phù hợp, cân nhắc gộp nhiều nội dung giao quy định chi tiết tại 1 văn bản để giảm bớt số lượng văn bản…