Ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật nói trên.
Khó xác định trách nhiệm khi xảy ra sai sót
Theo Tờ trình của Chính phủ khẳng định, qua hơn 3 năm thi hành Luật Ban hành VBQPPL 2015 với nhiều quy định mới, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chỉ tính riêng số lượng luật, pháp lệnh, từ ngày 01/7/2016 (ngày Luật năm 2015 có hiệu lực) đến ngày 30/6/2019 đã có 44 luật và 1 pháp lệnh được ban hành theo quy trình quy định của Luật năm 2015.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng VBQPPL đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Từ đó, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua.
Nâng cao trách nhiệm, của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 06 điều về kỹ thuật.
Liên quan đến nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Lê Thành Long Dự thảo Luật sửa các Điều 47, 58, 92 và 121 của Luật năm 2015, trong đó bổ sung sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là một trong các nội dung phải thẩm định, thẩm tra.
Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, dự thảo Luật xây dựng 02 phương án. Phương án 1: Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Phương án này bảo đảm tính liên tục, liền mạch trong xây dựng và thi hành pháp luật; tăng sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của chủ thể trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; đề cao hơn vai trò phản biện của cơ quan thẩm tra; tạo thuận lợi hơn khi xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong trường hợp xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Phương án 2: Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Phương án này kế thừa quy định của Luật năm 2015 hiện hành vì vẫn đang phát huy tác dụng tốt, một số vấn đề vướng mắc, bất cập là do quá trình thực thi chưa tốt, chưa phát huy hết trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình này; cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để đề cao trách nhiệm của từng chủ thể từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến đến xem xét, thông qua nhằm nâng cao chất lượng lập pháp.
“Cả hai phương án nêu trên đều tiếp thu tinh thần Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 19/4/2017 của Ban Bí thư. Cụ thể là bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Đồng thời, trong cả hai phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là cơ quan trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói./.
Thảo luận tại tổ các đại biểu tập trung vào một số vấn đề xin ý kiến như về phạm vi điều chỉnh, về 2 phương án nói trên…
Phạm Diệu
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến ở nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 như Chính phủ trình. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và một số Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay (như Phương án 2 của Chính phủ), đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dù theo phương án nào thì công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật luôn rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản. Quy định của Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng nhưng công tác phối hợp trong quy trình xây dựng pháp luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Do đó, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay. |