Ngày 3/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW. Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.
Vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực
Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Trong giai đoạn 2005 – 2019, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện. Công tác xây dựng và hoàn thiện trên các lĩnh vực cơ bản được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN.…
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, với nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, còn có dự án luật chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc, vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực.
Nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan và khách quan, dự thảo Báo cáo đưa ra các định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tiếp tục phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, phục vụ hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật… Hướng tới mục tiêu này, dự thảo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền nói chung, trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nói riêng.
Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo kiến nghị ưu tiên ban hành các dự án luật, pháp lệnh phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, kiến nghị bổ sung các nội dung về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Hệ thống pháp luật cần được nhìn nhận là một chỉnh thể thống nhất
Đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu vào dự thảo Báo cáo. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn thẳng thắn nêu một số bất cập cần đánh giá thêm như thể chế không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thế giới (một loạt ngành nghề kinh doanh mới, bằng công nghệ ra đời nhưng không có chế tài điều chỉnh); nhiều quy định thiếu thực tế lại chậm đổi mới, dẫn đến một số văn bản ra đời không theo yêu cầu của cuộc sống…
Đối với các định hướng, theo ông Tuấn, cách mạng 4.0 hiện làm thay đổi tất cả từ quản lý nhà nước đến các lĩnh vực trong đời sống nhưng trong dự thảo còn mờ nhạt. Ông đề nghị, định hướng tới đây thì một mặt phải hoàn thiện pháp luật, còn mặt khác là phải làm mới, tập trung vào pháp luật cho Chính phủ điện tử (chia sẻ dữ liệu, kết nối, dùng chung), kinh tế số (điều chỉnh được toàn bộ ngành nghề mới).
Đề nghị cân nhắc lại nguyên nhân của một số hạn chế, bất cập, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Ban Nội chính Trung ương) Thái Anh Hùng bàn sâu hơn về các kiến nghị tại dự thảo Báo cáo. Cá nhân ông cho rằng, đây là tổng kết Nghị quyết 48 thì tới đây sẽ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới, sau khi tổng kết Nghị quyết 49 thì mới đề xuất có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
|
|
Nghiên cứu Thông báo số 85 về Kết luận của Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, ông Hùng chỉ rõ 2 điểm có thể vận dụng để đưa ra các kiến nghị là Bộ Tư pháp chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành một Nghị quyết mới về Chiến lược xây dựng pháp luật phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020 – 2030. Ngoài ra, Thông báo số 85 cũng nêu trong năm 2019, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
|
|
Ghi nhận tất cả các góp ý, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu khi đánh giá phải bám sát mục đích, nội dung, định hướng chung và định hướng cụ thể, có lập luận rõ ràng, nhiều đánh giá có thể lượng hóa được. Về các kiến nghị, Bộ trưởng nhận thấy các ý kiến cơ bản nhất trí nếu có thể được thì “nâng tầm” cơ quan ban hành là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Về phạm vi, do lịch sử nên đã có 2 Nghị quyết riêng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật và về cải cách tư pháp nhưng tới đây cần nhìn hệ thống pháp luật với tư cách là một chỉnh thể thống nhất, từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật và gắn với cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Liên quan đến Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng thống nhất này để Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
H.Thư