Chính phủ đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng nay (11/9), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp.
Công tác triển khai thi hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện
Trình bày báo cáo Sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019) của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương, công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện bám sát yêu cầu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 64/2013/QH13, Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 và thu được những kết quả tích cực.
Trong đó, công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân được chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ trong phạm vi cả nước, từ trung ương đến cơ sở, với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, gần gũi với người dân, thu được nhiều kết quả thiết thực.
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung và tinh thần Hiến pháp được tiến hành khẩn trương, cơ bản bảo đảm chất lượng; các luật, pháp lệnh hầu hết đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH hàng năm.
Một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật có dấu hiệu chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp cũng được các cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ.
Công tác xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp được các cơ quan quan tâm và chỉ đạo sát sao, có những giải pháp để bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trình QH, UBTVQH, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, gắn kết với việc thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục dự kiến tiến độ trình QH, UBTVQH xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH (sau đây gọi tắt là Danh mục), QH, UBTVQH đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành.
Ngoài ra, QH, UBTVQH còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nên được các cơ quan quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.
“Về cơ bản, nội dung của các luật, pháp lệnh được ban hành đã cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bám sát và thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long khẳng định.
Nhiều tư duy mới của Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa trong các dự án luật, pháp lệnh để tạo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kỹ thuật lập pháp cũng đã có những bước tiến đáng kể.
Việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Hiến pháp cũng đã được các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, chú trọng việc bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trên cơ sở quy định chặt chẽ, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, gắn với việc sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống
Chính phủ đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp.
Điển hình là hoạt động xử lý sau rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; kết quả rà soát văn bản chưa được kết nối, sử dụng hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến.
Một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ như vấn đề phân công, kiểm soát quyền lực; phân cấp, phân quyền...; chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm.
Việc các cơ quan thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng còn chậm hoặc còn sắp xếp cơ học ở một số nơi.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với đánh giá chung trong Báo cáo và nhận thấy, sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, về cơ bản, việc triển khai thi hành Hiến pháp của các cơ quan, tổ chức đã bám sát yêu cầu, mục tiêu theo Nghị quyết số 64 và Nghị quyết số 718.
Các cơ quan, tổ chức đã chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngay từ năm 2014 và các năm tiếp theo, vì vậy đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt như nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm vừa qua, làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội và giải pháp khắc phục.
Làm rõ lý do còn 21 luật chưa triển khai theo chương trình
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, từ khi có Hiến pháp 2013, công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được triển khai rất tích cực, từ tuyên truyền, triển khai, rà soát...
Khối lượng công việc rất lớn nên QH khóa XIII, XIV đã tập trung; Chính phủ, bộ ngành, hệ thống chính quyền các cấp cũng đã vào cuộc rất tích cực.
Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị hoàn chỉnh thêm, làm sâu sắc thêm báo cáo; thẳng thắn chỉ rõ hơn một số vấn đề.
“Ví dụ, vì sao trong chương trình xây dựng luật, pháp lênh đã đặt ra hơn 90 luật, pháp lệnh phải sửa đổi nhưng vẫn còn 21 luật chưa triển khai được để cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Liệu 21 luật này hết năm 2020 chúng ta có cụ thể hóa được không, nếu không thì tác động của nó ra sao đến kinh tế- chính trị, xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân?”, Phó Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng từ nay đến hết khóa XIV của Quốc hội, quỹ thời gian không còn nhiều có đảm bảo triển khai hết các luật hay không.
“7 năm mà vẫn chưa cụ thể hóa được tất cả các vấn đề của Hiến pháp 2013 cũng là vấn đề”, ông Hiển nhận định.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ làm rõ qua giám sát của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các ủy ban của QH đánh giá xem có xung đột gì trong hệ thống pháp luật hay không, việc ban hành các luật các nghị định, quy định để cụ thể hóa Hiến pháp đã bám sát tinh thần của Hiến pháp chưa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng đây là báo cáo rất quan trọng bởi Hiến pháp là đạo luật gốc, “luật mẹ” nên việc tổng kết quá trình triển khai thi hành 5 năm được kỹ thì thời gian tới việc điều chỉnh để khắc phục những điểm hạn chế sẽ tốt hơn.
Đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị tương đối kỹ, cơ bản đảm bảo về chất lượng, bà Nga đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật để điều chỉnh trước khi trình QH.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng đề nghị báo cáo làm rõ hơn các mặt được trong các nội dung thi hành Hiến pháp.
Ví dụ, ông Dũng cho biết, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, từ khi có Hiến pháp, tất cả các văn bản liên quan đến khoa học công nghệ có chuyển biến rất tích cực, trên cơ sở đó, thành quả của khoa học công nghệ đưa lại trong giai đoạn vừa qua rất rõ nét.
Hà Dung