Kiến nghị xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật

30/08/2019
Kiến nghị xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật
Sáng 30/8, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Vai trò, vị trí của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được củng cố
Khái quát những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, trong giai đoạn 2005 – 2019, về cơ bản Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW.
Ngay sau khi các luật, pháp lệnh được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện ngay sau khi văn bản bản cấp trên có hiệu lực, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng của Nghị quyết 48; tạo hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, tiếp tục thể chế hóa chủ trương xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh té, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, về tổ chức bộ máy, quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Để thực hiện giải pháp đổi mới quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật được đề ra tại Nghị quyết 48, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm hình thức ban hành văn bản, hiện đại hóa quy trình xây dựng và ban hành văn bản. Quá trình soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản đã có nhiều đổi mới quan trọng theo hướng minh bạch, chặt chẽ, dân chủ hơn…
Những kết quả cụ thể trong thực hiện 6 định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật theo Nghị quyết 48thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; trong thực hiện nhóm giải pháp về xây dựng pháp luật gắn với vai trò của Bộ Tư pháp; trong thực hiện nhóm giải pháp về thi hành pháp luật gắn với vai trò của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về thi hành pháp luật… cũng rất tích cực.
Tất cả các kết quả trên đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định, vị trí của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được củng cố, tăng cường và được Chính phủ tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Tham mưu ban hành Nghị quyết Trung ương về tổ chức thi hành pháp luật
Theo nguyên Cục trưởng Cục Con nuôi Vũ Đức Long, cần nhận xét mạnh mẽ hơn một số việc Bộ, ngành Tư pháp được giao trong Nghị quyết 48 nhưng chưa làm được, phân tích rõ nguyên nhân để từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Đồng tình, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ cho rằng, chỉ tổng kết, đánh giá kết quả những nhiệm vụ được Nghị quyết 48 giao cho Bộ, ngành Tư pháp, trong đó cần nói thật, nói thẳng về những nhiệm vụ không làm được do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Ông Huệ đề nghị cần làm sâu sắc phần kiến nghị bằng những kiến nghị sâu sắc, khái quát, có lập luận. Cá nhân ông cho rằng, thời gian tới phải tập trung hơn vào việc tổ chức thi hành pháp luật nên Bộ, ngành Tư pháp cần tham mưu ban hành Nghị quyết Trung ương về tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời bước vào nhiệm kỳ Quốc hội mới thì kiến nghị xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh nhận thấy, hiện có nhiều chính sách chung kêu gọi xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nhưng lại thiếu cơ chế cụ thể để tạo điều kiện cho xã hội tham gia. Theo ông, so với các lĩnh vực văn hóa, xã hội khác đều đã làm được thì đến nay ngành Tư pháp mới có hoạt động giám định có cơ chế thu hút xã hội hóa, trong khi các dịch vụ pháp lý khác của ngành, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý, rất cần các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… để thu hút sự tham gia của xã hội.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý dự thảo Báo cáo cần gọn hơn, khái quát hơn, phải chú trọng tăng cường tính đảng trong Báo cáo từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt đến tổ chức triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện… Thứ trưởng cũng đề nghị rà soát loại bỏ các nội dung trùng lặp; đảm bảo tính logic trong nội dung của Báo cáo cũng như tính thống nhất giữa Báo cáo này với các báo cáo thực hiện một số Nghị quyết có liên quan, như báo cáo thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, 5 năm thi hành Hiến pháp.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu cần đề xuất những giải pháp mới, nhất là giải pháp đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng; làm rõ hơn luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn của các kiến nghị, nhất là kiến nghị ban hành Nghị quyết Trung ương về xây dựng và thi hành pháp luật… Ngoài ra, theo Thứ trưởng, phải có đánh giá chung về mức độ thực hiện Nghị quyết 48, tác động của Nghị quyết đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung, đối với công tác của Bộ Tư pháp nói riêng.
Hoàng Thư