Thẩm định Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực DS hoặc TM

19/08/2019
Thẩm định Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực DS hoặc TM
Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013, trong đó tại mục 2 Kế hoạch đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất gia nhập các công ước trong khuôn khổ Hội nghị này, đặc biệt là các công ước về hợp tác tư pháp. Trên cơ sở đó, ngày 15/8, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại.
Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng phát triển dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp về dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài phát sinh. Để giải quyết thực tế này đòi hỏi các nước phải tăng cường hợp tác về tương trợ tư pháp trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng xuyên quốc gia, như thu thập chứng cứ ở nước ngoài hay tống đạt giấy tờ ra nước ngoài.
Thực hiện chủ trương của Đảng trong việc từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý quốc tế nêu trên, năm 2016  Việt Nam đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt giấy tờ), Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ 01/10/2016. Việc gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ giúp Việt Nam không mất thời gian, nhân lực và kinh phí cho việc đàm phán điều ước quốc tế song phương mà cùng một lúc thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ mới tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp (UTTP) về tống đạt giấy tờ, trong khi đó để phục vụ cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, các yêu cầu UTTP về thu thập chứng cứ với một số lượng tương đối lớn lại chưa có căn cứ điều ước quốc tế để yêu cầu nước ngoài thực hiện.
Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ) là công ước đa phương của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực ngày 07/10/1972. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ước hiện có 62/83 quốc gia tham gia, đã thể hiện tính ưu việt của Công ước, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng cho hoạt động hợp tác quốc tế về TTTP. Nhiều quốc gia thành viên Công ước thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, như Đức, Anh, Hoa Kỳ, Ô-xtơ-rây-lia, đều là những nước mà Việt Nam có nhu cầu UTTP cao. Tuy khu vực Đông Nam Á và Châu Á đến nay mới có một số quốc gia gia nhập Công ước, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Ấn Độ, Ca-dắc-xtan, nhưng hầu hết là các quốc gia mà Việt Nam có nhu cầu UTTP thu thập chứng cứ cao (Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po).
Vì vậy, việc gia nhập Công ước thu thập chứng cứ là rất cần thiết. Và để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước thu thập chứng cứ nêu trên, thực hiện Quyết định 504/QĐ-BTP ngày 26/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thẩm định điều ước quốc tế và Quyết định số 1698/QĐ-BTP ngày 26/7/2019 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, ngày 15/8/2019, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định về việc  gia nhập Công ước thu thập chứng cứ.
Hội đồng thẩm định có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp như: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Tổng cục thi hành án dân sự do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Chủ tịch Hội đồng.
Tại Hội đồng thẩm định, đại diện đơn vị chủ trì, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã trình bày tóm tắt nội dung Công ước, đánh giá về sự cần thiết của việc gia nhập Công ước đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, các nội dung đánh giá về sự phù hợp của Công ước với pháp luật Việt Nam cũng như tính tương thích của Công ước với các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam là thành viên; tác động về an ninh, chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội cũng được bà Hương trình bày cụ thể với Hội đồng thẩm định
Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết về việc gia nhập Công ước thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước và đảm bảo tính khả thi, một số ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị đơn vị chủ trì làm rõ hơn một số điểm tập trung vào các vấn đề sau: (i) thuật ngữ “hoạt động thu thập chứng cứ khác”; (ii) tuyên bố, bảo lưu của Việt Nam khi gia nhập Công ước; (iii) bổ sung đánh giá sự phù hợp của Công ước đối với các quy định pháp luật có liên quan tại một số văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật Giám định tư pháp,  
Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt các thành viên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhất trí với việc gia nhập Công ước và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.
 Phòng Tư pháp quốc tế & Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.