Thi hành Hiến pháp 2013 sẽ là một quá trình dài nhiều năm

24/07/2019
Thi hành Hiến pháp 2013 sẽ là một quá trình dài nhiều năm
Chiều 24/7, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014 - 2019). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì Hội thảo.

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài của cả hệ thống chính trị
Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển cho biết, thời gian qua các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp…

Riêng về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 718 thì có 90 luật, pháp lệnh. Đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng của hệ thống pháp luật, 21 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành, 35 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục trên. 
Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng từng bước đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp như một số nội dung của Hiến pháp đến nay chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ; việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm…

Triển khai Hiến pháp được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài của cả hệ thống chính trị nên ông Hiển đã nêu 07 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, các cơ quan của Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng trong triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp; tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, lập quy theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại…
Nỗ lực xây dựng dự thảo Báo cáo đảm bảo chất lượng
Đại diện UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương thông tin những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Hiến pháp 2013 tại địa phương. Trong đó, bà Hương chỉ rõ một số bất hợp lý trong quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền, làm hạn chế sự phát triển, năng động của các đô thị lớn như Hà Nội.

Sau thời gian 5 năm thi hành Hiến pháp, TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 theo hướng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa chính quyền Trung ương và thành phố; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô 2012 theo hướng đảm bảo các cơ chế, chính sách đặc thù thực thi một cách hiệu quả, nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô. Bên cạnh đó, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 24/2014, 37/2014 của Chính phủ để bộ, ngành, địa phương sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp.

GS.TS Hoàng Thế Liên đánh giá sự công phu,chất lượng của dự thảo Báo cáo nhưng đề nghị bổ sung số liệu cho một số hoạt động như việc tổ chức rà soát, biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp và pháp luật; sau khi Hiến pháp ra đời đã làm dấy lên phong trào rộng lớn nghiên cứu Hiến pháp nhưng chưa có thống kê cụ thể trong khi hệ thống đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ rất nhiều, cả xã hội “dậy sóng” tham gia nghiên cứu Hiến pháp ở nhiều mức độ khác nhau.
Quan niệm thực thi Hiến pháp là thực thi giá trị mới của Hiến pháp, GS Liên nhấn mạnh, cần khái quát hơn về các giá trị mới đã được cụ thể hóa, truyền tải trong cuộc sống như thế nào. Theo đó, ông lưu ý một số giá trị mới như tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quy định đầy đủ phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình; kiểm soát quyền lực (nội bộ, từ phía nhân dân, các thiết chế độc lập như kiểm toán, thanh tra); chủ quyền nhân dân và Hiến pháp là của dân thì cơ chế bảo hiến vô cùng quan trọng…

Chia sẻ đây là một báo cáo khó, phải sơ kết được 5 năm thi hành Hiến pháp của cả nước một cách tổng hợp nhất nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, cách tiếp cận 5 nội dung chính của dự thảo Báo cáo là phù hợp. Theo ông Định, thi hành Hiến pháp sẽ là một quá trình dài nhiều năm, những điểm hiện chưa làm được thì sẽ làm trong thời gian tới… Về các công việc sắp tới, ông Định đề xuất xây dựng một nghị quyết của Quốc hội nhằm ghi nhận kết quả đạt được, những nhiệm vụ cần làm tiếp và yêu cầu Ban soạn thảo cố gắng tiếp thu các góp ý tại Hội thảo. Đối với Danh mục theo Nghị quyết 718, ông Định kiến nghị tiếp tục nghiên cứu một số văn bản và khi làm danh mục mới thì không đưa tên cụ thể của mỗi đạo luật.

Ghi nhận các ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, thời gian chuẩn bị xây dựng Báo cáo rất ngắn, dù chưa đầy 3 tháng nhưng Bộ Tư pháp đã rất chủ động và dự thảo Báo cáo bám sát yêu cầu sơ kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp là báo cáo của cả hệ thống chính trị, được Bộ Tư pháp chắt lọc từ các báo cáo của các cơ quan hữu quan, phản ánh trung thực, đầy đủ và đã cố gắng khái quát tối đa, nêu một số ví dụ thực sự điển hình để báo cáo chất lượng nhất. Chỉ đạo đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo Báo cáo một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng cam kết sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các góp ý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo.