Đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc

18/07/2019
Đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
Sáng 17/7, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh”
Báo cáo Hội đồng về Dự án Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Quách Ngọc Tuấn cho biết: Một trong những cải cách quan trọng nhất được đề xuất tại Dự thảo Luật (đối với Luật) trên cơ sở giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030 là quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà ĐTNN. Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà ĐTNN theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm ngành, nghề nhà ĐTNN chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề nhà ĐTNN được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Ngoài danh mục này, nhà ĐTNN được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà ĐTNN.
Để có cơ sở thực hiện quy định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức rà soát toàn bộ các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục đầu tư của nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN theo hướng bổ sung quy định không yêu cầu nhà ĐTNN phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà ĐTNN. Những sửa đổi, bổ sung trên không chỉ nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà ĐTNN mà còn đảm bảo có sự chọn lọc khi thu hút ĐTNN.
Với Luật Doanh nghiệp, một nội dung đáng chú ý là Dự thảo Luật bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh theo hướng thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh; tạo điều kiện cho gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống. Đồng thời, bổ sung các quy định (Điều 187b – 187d) làm rõ hơn địa vị pháp lý hộ kinh doanh, trách nhiệm chủ hộ kinh doanh và trường hợp chấm dứt hoạt động kinh doanh. Theo ông Tuấn, trong quá trình xây dựng quy định này đã nhận nhiều ý kiến khác nhau nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn cách quy định như Dự thảo Luật.
Phải tháo gỡ được vướng mắc thực tế
Các thành viên Hội đồng đã sôi nổi góp ý cụ thể về các đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật. Đồng tình cách thức tiếp cận chọn bỏ về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà ĐTNN nhưng ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) vẫn tỏ ra băn khoăn. Chẳng hạn, nếu chọn bỏ đối với nhà đầu tư trong nước thì có thể không có vấn đề gì, trong khi chọn bỏ đối với nhà ĐTNN thì khi phát sinh ngành, nghề đầu tư mới mà hiện tại chưa tính đến, có thể dẫn đến nguy cơ, thậm chí rủi ro nếu nhà ĐTNN đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam đã ký kết hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư. Từ đó, ông Đức đề nghị nghiên cứu thêm biện pháp để phòng ngừa đối với những ngành, nghề mới khi thu hút ĐTNN.
Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng hoan nghênh việc bổ sung về hộ kinh doanh song lo ngại việc bổ sung Điều 187c (trường hợp chủ hộ kinh doanh bị tạm giam, kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề… thì hộ kinh doanh bị chấm dứt hoạt động) là trái với Bộ luật Dân sự hiện hành. Ông Tụng lý giải, khi chủ hộ có “vấn đề”, các thành viên của hộ kinh doanh được ủy quyền cho thành viên khác để đại diện, đứng tên cho hộ, còn Dự thảo Luật lại buộc hộ chấm dứt hoạt động, sẽ là nhiêu khê nếu hộ quay lại hoạt động. Theo nguyên Thứ trưởng, Ban soạn thảo Dự án Luật cần cân nhắc quy định này.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, Hội đồng đánh giá Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với nội dung, mục đích yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của các chính sách đã được thông qua. Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các vướng mắc trong thực tế để có biện pháp tháo gỡ, bảo đảm hiệu quả, khả thi khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Bàn về tính tương thích giữa quy định hộ kinh doanh với pháp luật dân sự, Thứ trưởng Hiếu quan niệm, cần phải đề cập được 3 khía cạnh gồm tư cách chủ thể, người đại diện và trách nhiệm tài sản. Tuy Dự thảo Luật bổ sung về hộ kinh doanh song lại chưa xử lý được cả 3 vấn đề này, riêng trách nhiệm tài sản quy định không phù hợp với Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị không mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước; xử lý ngay điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo Luật (như đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì phải xử lý chuyển tiếp ra sao hay việc bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư…)…
H.Thư