Chiều ngày 27/6, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có buổi làm việc với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về kế hoạch công tác năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng tham dự, buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2019, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, Cục đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm. Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được coi trọng và bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Cục đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giải đáp vướng mắc và tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức tư pháp – hộ tịch địa phương.
Công tác giải quyết hồ sơ quốc tịch được thực hiện đúng quy định pháp luật, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện về quốc tịch. Trong lĩnh vực chứng thực, Cục đã đã kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc của địa phương đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ chứng thực cho đội ngũ công chức của các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp – hộ tịch của 14 tỉnh.
Lãnh đạo Cục cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như công tác đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót. Việc triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả ở Trung ương và địa phương, nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai; sự phối hợp của cơ quan liên quan chưa kịp thời nên một số trường hợp việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác hộ tịch, quốc tịch của địa phương chưa kịp thời. Trong công tác chứng thực, tại các địa phương vẫn còn một số sai sót về chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Tăng cường hiệu quả quản lý đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch
Liên quan tới cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện đã triển khai tới 45/63 tỉnh thành phố và đang tổ chức tập huấn tại các địa phương còn lại. Theo đó, việc quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo nguồn kinh phí để số hóa các dữ liệu lịch sử và tập trung bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch để triển khai hiệu quả phần mềm đăng ký hộ tịch.
Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho rằng Học viện Tư pháp và 5 Trường Trung cấp Luật đã tích cực tổ chức các lớp, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đối với các lớp đào tạo, tập huấn do địa phương tự tổ chức còn khó đánh giá, chất lượng giảng viên còn chưa đồng đều. Do đó, cần tiếp tục xác định đúng và trúng mục tiêu đào tạo và tăng cường hiệu quả quản lý đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch địa phương để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng. Còn đại diện Thanh tra Bộ đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, đặc biệt là ở cấp huyện để có bức tranh toàn cảnh về công tác hộ tịch ở địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác
Nhận định hộ tịch, quốc tịch, chứng thực là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Cục cần thường xuyên rà soát các quy định pháp luật để tạo thủ tục thông thoáng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực này.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra những khó khăn, thách thức mà Cục sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cần hoàn thành đúng tiến độ xây dựng và trình các văn bản như Kế hoạch đã đề ra trong năm 2019; phát huy vai trò của Thanh tra Sở trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đảm bảo nguồn kinh phí để số hóa dữ liệu, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp – hộ tịch…
Anh Như - Trung tâm Thông tin