Thành phần Đoàn liên ngành gồm có đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao. Đoàn đã làm việc với đại diện liên ngành ở địa phương (gồm đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh...) để nghe báo cáo về tình hình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt chú trọng đến tình hình triển khai Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015" và kết quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC-BTP ở địa phương; trực tiếp trao đổi với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư; thăm, làm việc với cơ quan Điều tra tỉnh Bình Thuận, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai, đồng thời kiểm tra việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trại tạm giam và nhà tạm giữ, phỏng vấn giám thị, quản giáo và phạm nhân về việc hướng dẫn cho bị can, bị cáo về trợ giúp pháp lý, làm việc với đồng chí Chủ tịch huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai về hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa bàn, kiểm tra một số hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng.
Thông qua báo cáo kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Đoàn kiểm tra ghi nhận những thành tích đã đạt được sau 04 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các địa phương.
Về tổ chức, bộ máy: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đều đã được kiện toàn. Các Trung tâm đều được bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc và thành lập các Phòng, đặt Chi nhánh ở các huyện xa Trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân (Đồng Nai có 10/11 Chi nhánh ở các huyện).
Về biên chế cán bộ: Nhìn chung, các tỉnh đã được ưu tiên trong việc phân bổ biên chế và tuyển chọn cán bộ nên đến nay ở Đồng Nai có 19 biên chế, trong đó có 15 người đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; ở Bà Rịa - Vũng Tàu có 11 biên chế, trong đó có 4 người đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; ở Bình Thuận có 9 biên chế, trong đó có 3 người đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Hầu hết các Chi nhánh đã được bố trí biên chế đủ điều kiện bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh. Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, một số Chi nhánh còn được bố trí cán bộ hợp đồng là cử nhân luật để thực hiện nhiệm vụ.
Về tài chính, cơ sở vật chất: Nhìn chung, so với mặt bằng của cả nước, ba tỉnh trên có mức khoán cho cán bộ thuộc diện cao. Sau khi Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005-2009 kết thúc, lãnh đạo các địa phương, Sở Tài chính đã quan tâm, bố trí nguồn tài chính để thực hiện hoạt động nghiệp vụ cho Trung tâm để bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm.
Về hoạt động phối hợp liên ngành trong tố tụng, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các ngành tại ba địa phương được thực hiện thông qua việc chỉ đạo các đơn vị trong ngành tham gia hoạt động, tạo điều kiện cho các Trung tâm thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý. Các ngành đã tổ chức việc quán triệt tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10 đến các cán bộ, chiến sĩ trong ngành để quyền được thông tin về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn… được bảo đảm. Các địa phương đã thực hiện việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam và nhà tạm giữ (Đồng Nai: 53, Bà Rịa - Vũng Tàu: 52 và Bình Thuận: 38). Qua thực tiễn kiểm tra tại trại tạm giam, nhà tạm giữ và phỏng vấn phạm nhân, Đoàn nhận thấy các cơ quan đã có sự tuân thủ chặt chẽ việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin trợ giúp pháp lý, phạm nhân đã được người tiến hành tố tụng giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý. Qua đánh giá của các luật sư cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, nhìn chung các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho luật sư khi họ thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư đúng thời hạn, việc tiếp xúc với bị can, bị cáo người bị tạm giữ được tạo điều kiện thuận lợi.
Trong 03 năm qua, ba tỉnh đã thực hiện được 817 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó ở Đồng Nai có 274 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu có 346 vụ và Bình Thuận có 197 vụ. Các vụ việc nhìn chung đã có chất lượng, một số vụ của Tòa án đã quyết định theo hướng đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, Cộng tác viên.
Cùng với việc ghi nhận các kết quả đã đạt được, Đoàn cũng đã nghe các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của địa phương liên quan đến việc triển khai, thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành. Một số khó khăn, vướng mắc địa phương nêu ra đã được Đoàn kiểm tra trao đổi, tháo gỡ ngay tại buổi làm việc như việc tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý mới bổ nhiệm được cọ xát, tham gia hoạt động tố tụng (bào chữa cùng với 01 Luật sư hoặc Trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm), việc thông báo kết luận điều tra cho người bị hại trong vụ án hình sự...
Đoàn cũng đã chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của Hội đồng liên ngành tố tụng tại địa phương như việc họp để đánh giá quá trình triển khai thực hiện phối hợp còn chưa thường xuyên (trong việc giới thiệu, thông tin và nhu cầu trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng Trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là những vụ việc được cấp uỷ, chính quyền và dư luận quan tâm...), chưa tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động phối hợp tại các đơn vị, cơ quan liên quan... mà các địa phương cần khắc phục trong thời gian tới.
Cúc Phương