Đoàn công tác Liên ngành làm việc tại tỉnh Bình Dương: Nhận thức đúng về pháp chế sở, ngành

11/09/2009
Đoàn công tác Liên ngành làm việc tại tỉnh Bình Dương: Nhận thức đúng về pháp chế sở, ngành
Hôm qua (10/9), Đoàn công tác Liên ngành (Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm trường đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành nhằm kiểm tra công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra và xử lý trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh phần lớn giao cơ quan chuyên ngành chủ trì soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến. Cụ thể, 100% dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các dự thảo QPPL của UBND tỉnh đều được Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành. Chính vì vậy, tỷ lệ thẩm định dự thảo văn bản QPPL năm 2008 của tỉnh là 100%. Riêng đầu năm 2009  đến nay, có 72/74 văn bản của UBND tỉnh ban hành sau khi đã được Sở Tư pháp thẩm định. Bên cạnh đó, các văn bản QPPL HĐND, UBND tỉnh, huyện, thị xã ban hành đều được các cơ quan giám sát, kiểm tra và phổ biến công khai để tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện.

Nói về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản, Bộ Tư pháp cho biết: Theo quy định của Chính phủ, pháp chế là đầu mối làm công việc tham mưu cho giám đốc sở, ngành. “Sàn” là có cán bộ chuyên trách, và “trần” là có hẳn một phòng pháp chế. Ông Sơn dẫn chứng, Hải Phòng đã có 4/8 sở có Phòng Pháp chế tham mưu giúp giám đốc, thậm chí làm còn không hết việc. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, công tác văn bản cần có trí tuệ tập trung – như thế mới phát hiện những sai sót. Bởi kiểm tra việc thực thi pháp luật cần có kiến thức chuyên môn sâu, kiêm nhiệm chỉ “bất đắc dĩ”, thực hiện soạn thảo văn bản, dự thảo thì Sở Tư pháp nên tham gia ngay từ đầu, bởi soạn thảo xong mà chỉ còn 15 ngày thì rất khó cho công tác thẩm định.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đúc kết buổi làm việc: Công tác soạn thảo, rà soát, kiểm tra và hệ thống hóa được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đó là điều đáng mừng. Về nhận thức, vai trò, ý nghĩa của công việc văn bản từ đó giúp cho địa phương trong quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, tỉnh đã có nhận thức đầy đủ, nhưng cũng còn một bộ phận sở, ngành, cấp huyện xã chưa nhận thức đúng nên có tình trạng không đồng đều – tác động đến tổ chức thực hiện. Chính phủ quy định pháp chế sở ngành phải có Phòng, tối thiểu là cán bộ chuyên trách, bộ phận pháp chế sở, ngành nhưng nhiều nơi nhận thức vấn đề này chưa rõ. Nếu pháp chế sở ngành yếu thì phát sinh rất nhiều vấn đề.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về đất đai để Thi hành án Dân sự có trụ sở và kho tang tài vật. Liên quan đến công tác văn bản và thi hành án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân khẳng định: “Tỉnh xác định đây là công việc quan trọng, đồng thời xác định là nhiệm vụ cần thiết để hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển địa phương”. Về đất xây dựng kho tang tài vật Cơ quan Thi hành án, bà Vân xem như là trách nhiệm của mình và sẽ quan tâm ngay. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở và Thi hành án cần chủ động có văn bản gửi cho UBND để tỉnh xem xét giải quyết.

Phong Trần