Đề xuất không áp dụng biện pháp xử lý hành chính “tiền đề”

07/06/2019
Đề xuất không áp dụng biện pháp xử lý hành chính “tiền đề”
Ngày 6/6, trong khuôn khổ hợp tác với Viện KAS (CHLB Đức), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã tham dự và đồng chủ trì Hội thảo cùng Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về XLVPHC
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá, Luật XLVPHC năm 2012 là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLVPHC, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho hoạt động XLVPHC ở nước ta, đồng thời góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Quá trình triển khai, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật XLVPHC, quy định cụ thể việc XPVPHC trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, quy định chi tiết việc áp dụng và thực thi các biện pháp xử lý hành chính của các cơ quan hành chính có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội theo quy định của Luật. Đến cuối năm 2018, tổng số nghị định được Chính phủ ban hành để quy định chi tiết Luật XLVPHC là 101 nghị định (bao gồm cả các Nghị định thay thế và sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, còn gần 70 thông tư quy định về XLVPHC do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống VPHC trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng, Luật XLVPHC đã và đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo này để ghi nhận những trao đổi, thảo luận mang tính khoa học của các đại biểu về tác động chính sách của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Từ đó, góp phần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, bảo đảm phản ánh đầy đủ, chất lượng, toàn diện hơn những tác động của các quy định trong Dự án Luật.
Chỉ nên sửa đổi, bổ sung, chứ không phải “không áp dụng”
Báo cáo tổng quan về quá trình thi hành Luật, bà Nguyễn Thanh Hà (Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật) điểm lại nhiều kết quả tích cực nhưng cho biết tình hình VPHC đang diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trên các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ yếu xảy ra ở các lĩnh vực như giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, kinh doanh, đất đai, xây dựng. Trên cơ sở đó, bà Hà nêu một số chính sách mới trong Dự án Luật và mỗi nội dung chính sách được các đại biểu đến từ nhiều cơ quan chuyên môn góp ý hoàn thiện. Nhận diện những tác động của quy định về giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trong Luật XLVPHC, bà Nguyễn Thị Cúc Phương (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định, đây là một bước tiến của pháp luật XLVPHC.
Tuy nhiên, có một số hạn chế như thời hạn 5 ngày, kể từ ngày lập biên bản, gửi văn bản giải trình của đối tượng xử phạt không phù hợp trong một số trường hợp; tình tiết phức tạp hay các tiêu chí để xác định phức tạp chưa được hướng dẫn cụ thể… Để hoàn thiện, bà Phương đề nghị nghiên cứu tăng thời hạn gửi văn bản giải trình hoặc yêu cầu giải trình trực tiếp; nghiên cứu quy định yếu tố xác định thế nào là vụ việc VPHC đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp…
Bàn về một đề xuất đang rất được quan tâm - không áp dụng biện pháp xử lý hành chính có tính chất “tiền đề” (giáo dục tại xã, phường, thị trấn) trước khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, ông Nguyễn Vinh Thúy (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) chọn giải pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng một số nội dung về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Ông Thúy lý giải: Qua thực tiễn chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ở các địa phương và tổng kết thực tiễn thi hành, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng và cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm, vừa  đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm, đồng thời phục vụ nhiệm vụ quản lý giáo dục các loại đối tượng tại địa bàn cơ sở theo quy định của pháp luật. Còn nếu không thay đổi mà giữ nguyên quy định hiện hành thì không giải quyết được bất cập như đối tượng bị áp dụng và gia đình không đồng ý với quyết định áp dụng biện pháp làm giảm hiệu quả thi hành của quyết định; gia tăng chi phí bồi thường nhà nước trong trường hợp đối tượng bị áp dụng bị oan, sai…
Thục Quyên