Đây là một trong những giải pháp then chốt mà Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tại Hà Nội nêu lên tại buổi làm việc với TAND TP Hà Nội và Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội diễn ra ngày 11/4.
Tạo nhận thức đồng bộ về TGPL
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện TAND TP Hà Nội cho biết đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Cán bộ, công chức khi tiến hành tố tụng đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL Nhà nước trong hoạt động tố tụng. Sự phối hợp trong hoạt động liên ngành đã thường xuyên được củng cố và chặt chẽ hơn.
Mặc dù số lượng vụ việc và số người được TGPL đã tăng qua từng năm nhưng số lượng người được hưởng chính sách TGPL Nhà nước chưa cao. Lĩnh vực có TGPL Nhà nước tham gia tập trung ở lĩnh vực tố tụng hình sự; lĩnh vực tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và hành chính chưa nhiều. Năm 2018, các vụ việc được TGPL trong lĩnh vực dân sự là 55 vụ và trong lĩnh vực hành chính là 8 vụ.
Việc phát hiện đối tượng trong diện được TGPL trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chưa thực sự được chú ý đúng mức khi so sánh với các dịch vụ pháp lý khác. Thực tế khi tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức hai cấp TAND phát hiện, nhận diện đối tượng được TGPL và hướng dẫn nhưng đương sự vẫn từ chối và lựa chọn hình thức TGPL khác như thuê, mời luật sư, nhờ bào chữa viên nhân dân, nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Nhận thức về các nhóm đối tượng được TGPL chưa thực sự thống nhất như trường hợp người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV nhưng phải khó khăn về tài chính…
Với thực trạng trên, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như: nhận thức của người dân về TGPL chưa đầy đủ, giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được TGPL còn nhiều cách hiểu, thủ tục rườm rà, tốn chi phí nên nhiều trường hợp thuộc đối tượng được TGPL nhưng từ chối. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với cơ quan tố tụng chưa đạt hiệu quả cao. Trình độ năng lực của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, nguyên nhân cốt lõi được ông Chính chỉ ra là do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TGPL đối với các đối tượng được thừa hưởng chưa sâu rộng, đặc biệt ở cấp cơ sở. Do vậy, giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần thường xuyên và đổi mới các hình thức tuyên truyền pháp luật về TGPL Nhà nước để người dân, đặc biệt là người được TGPL hiểu đúng, hiểu đầy đủ và được hưởng các lợi ích từ quyền lợi này. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, có chế độ đãi ngộ phù hợp để củng cố năng lực tranh tụng và nâng cao sự nhiệt huyết của Trợ giúp viên pháp lý.
Nhận định các cơ quan tố tụng cấp quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai khá hiệu quả Luật TGPL 2017, bước đầu đưa Luật đi vào cuộc sống, tuy nhiên, so với yêu cầu của Luật, của người dân và toàn xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng kết quả TGPL trong tố tụng thời gian qua còn nhiều hạn chế. Do vậy, bên cạnh các Luật về tố tụng, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hiệu quả các quy định của Luật TGPL, đặc biệt là các quy định mới để đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân. Ngoài ra, cần có số liệu thống kê cụ thể về số vụ việc người dân từ chối được TGPL, qua đó phân tích nguyên nhân, nhận diện đâu là rào cản từ đó điều chỉnh về mặt thể chế cho phù hợp.
Tăng cường sự gắn kết giữa các ngành
Tiếp đó, tại buổi kiểm tra tại Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết Hội đồng đã triển khai nhiều hoạt động và đạt kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành thành viên Hội đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp TP đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tam giam, bị can, bị cáo và các đối tượng khác biết về quyền được TGPL.
Công tác phối hợp giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND, TAND các cấp với Trung tâm TGPL Nhà nước trong việc cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng đã có sự chuyển biến rõ nét, tăng số lượng vụ việc được TGPL. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến ngày 31/3/2019, trong tổng số 1.580 vụ việc tham gia tố tụng có 1.196 vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện, 394 vụ do Luật sư cộng tác viên thực hiện.
Ghi nhận kết quả trên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành cơ bản đã đáp ứng được quyền lợi của người được TGPL. Tuy nhiên, số lượng vụ việc TGPL còn rất ít, do vậy cần nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra và quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Thứ trưởng kiến nghị UBND TP, Thành ủy, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội cùng các Ban, ngành liên quan cùng vào cuộc để tạo nhận thức đồng bộ, đưa các quy định mới của Luật TGPL thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo không để bỏ lọt các đối tượng được TGPL trong tố tụng. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng để triển khai hiệu quả các hoạt động với sự gắn kết cao hơn; quyết liệt trong chỉ đạo các cơ quan tố tụng cấp quận, huyện để đảm bảo quyền được TGPL của người dân ngay từ các khâu đầu. Thứ trưởng cũng yêu cầu Sở Tư pháp TP Hà Nội cần phát huy tốt vai trò tham mưu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Lê Hồng