Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) và Bộ Tư pháp vừa phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng chủ trì Hội thảo.
93 Luật, Pháp lệnh đã lồng ghép vấn đề giới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ mục đích của Hội thảo và nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (BĐG). Đặc biệt, bà Thúy Anh cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2006 và 3 năm thi hành Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, theo thống kê của Ủy ban, đã có 93 luật, pháp lệnh được lồng ghép vấn đề BĐG trong quá trình xây dựng. Những quy định về BĐG trong các văn bản trên đều phát huy tác dụng tích cực trong xã hội, thực hiện mục tiêu BĐG thực chất. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh việc cung cấp thông tin, bà Thúy Anh mong muốn các đại biểu tham dự sẽ đánh giá hoạt động lồng ghép BĐG trong các dự án Luật, chỉ rõ những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể, cơ chế phối hợp hữu hiệu trong thời gian tới.
Đại diện một số bộ, ngành cho biết, việc đánh giá tác động xã hội và tác động giới trong các dự án luật, pháp lệnh đã được triển khai tương đối cụ thể. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà dẫn chứng, việc bảo đảm BĐG đã cơ bản được bảo đảm trong Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013. Cụ thể, nếu như Luật năm 2003 không xét thi đua cho đối tượng nữ nghỉ thai sản thì sau khi có Luật năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết, trong đó quy định thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ được tính là thời gian làm việc để bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, việc đảm bảo lồng ghép BĐG về khen thưởng trong các văn bản dưới Luật cũng phù hợp hơn khi tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam là 5 tuổi. Cụ thể, đối với nữ quy định tiêu chuẩn xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với nữ được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung… Đối với lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã chú trọng đến việc thiết lập các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện về thi đua, khen thưởng và cho rằng một số chính sách sửa đổi không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện, thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ về việc đánh giá tác động trong lập đề nghị xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Theo ông Hạnh, số lượng nữ quân nhân trong lực lượng chiếm tỷ lệ thấp, xuất phát từ môi trường công tác đặc thù nên Luật sẽ có những quy định bảo đảm bình đẳng giới, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ phục vụ trong Bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang nhân dân.
Hạn chế đánh giá mang tính suy đoán
Ngoài việc ghi nhận những chuyển biến trong đánh giá tác động giới khi xây dựng chính sách, lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu thẳng thắn chỉ rõ một số bộ, ngành đã cung cấp thông tin về hoạt động đánh giá tác động của cơ quan mình và cho rằng có những chính sách không phân biệt về giới. Thứ trưởng Hiếu cho hay, qua thẩm định của Bộ Tư pháp nhận thấy một số hồ sơ đề nghị thường đánh giá chung chung, chưa sâu sắc, nhất là đánh giá tác động xã hội, tác động giới, nặng về suy đoán, ít dựa trên tổng kết, số liệu. Cá biệt, một số hồ sơ đề nghị không có đánh giá tác động giới.
Vì vậy, Thứ trưởng Hiếu đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hết sức, quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chú trọng lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ… Thứ trưởng cũng mong muốn Ủy ban duy trì hoạt động này và tổ chức cả hội thảo chuyên đề đối với từng Luật cụ thể. Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động qua việc ban hành thêm một số sổ tay công khai trên mạng…
Mặc dù có những chính sách mà bộ, ngành cho rằng không có phân biệt giới nhưng các thành viên Ủy ban lại chỉ ra những vấn đề BĐG có thể lồng ghép và lưu ý không phải không có quy định về nữ giới sẽ đồng nghĩa với việc không có vấn đề giới. Theo Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nguyệt, với Luật Biên phòng Việt Nam, nam giới là lực lượng chính, phải chịu hy sinh, rủi ro rất nhiều thì cần đánh giá tác động xung quanh điều kiện kinh tế, gia đình, hậu phương hay tâm sinh lý của họ.
GS Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban thì quan niệm, BĐG là bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ vì họ gặp nhiều vấn đề hơn về sức khỏe, về thời gian. Bởi thế, ông đồng tình với việc ưu tiên thời hạn xét khen thưởng cho phụ nữ, ủng hộ có danh hiệu riêng cho các bà mẹ Việt Nam và còn đề nghị xét ưu tiên các bà mẹ có con nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, các ưu tiên cần hợp lý, đúng mức để không tạo bất bình đẳng về giới.
H.Thư