Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba tại Ủy ban Nhân quyền LHQ

12/03/2019
Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba tại Ủy ban Nhân quyền LHQ
Ngày 11/3/2019, tại Geneva (Thụy Sĩ), Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam với đại diện của 11 cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các nội dung của Công ước ICCPR do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi đối thoại cởi mở, thẳng thắn và xây dựng đối với các thành viên của Uỷ ban Nhân quyền.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người song hành cùng sự phát triển của quốc gia. Những cải cách và biến chuyển mạnh mẽ, tích cực đó diễn ra ở mọi mặt của đời sống, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, mà còn ở những lĩnh vực phức tạp hơn, như pháp luật, tư pháp, không phân biệt đối xử, quản trị công, thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 90 triệu người dân Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn. Quan trọng hơn, tất cả các nỗ lực cải cách của Việt Nam diễn ra trong hòa bình, với sự ủng hộ của người dân Việt Nam.
 Thứ trưởng cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp tục nỗ lực không ngừng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình thực thi Công ước ICCPR.
 Tại phiên họp ngày 11/3/2019, các thành viên của Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình thực hiện các quy định của Công ước ICCPR kể từ sau khi nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai năm 2002, chẳng hạn như việc ghi nhận và bảo đảm các quyền dân sự, chính trị trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đảm bảo quyền không phân biệt đối xử, quyền được sống, quyền không bị bắt làm nô lệ, cưỡng bức lao động, quyền tự do và an ninh cá nhân; tuyên truyền, phổ biến và giáo dục các nội dung của Công ước ICCPR; vai trò của cơ quan nhà nước cũng như cơ chế bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam. Đoàn công tác liên ngành Việt Nam đã có các chia sẻ cởi mở, cầu thị nhằm làm rõ hơn các cam kết của Chính phủ Việt Nam, những thành tựu và tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được; cũng như những khó khăn, thách thức phải đối mặt trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền dân sự, chính trị theo quy định của Công ước ICCPR. Những chia sẻ này giúp Ủy ban Nhân quyền và các quốc gia thấy rõ bức tranh tổng thể tích cực, xu hướng phát triển mạnh mẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam trong thời gian qua.
Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR sẽ kết thúc vào ngày 12/3/2019./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp: