Cần cải thiện chế độ để “giữ chân” người tài

12/11/2010
Cần cải thiện chế độ để “giữ chân” người tài
Đó là đề xuất của nhiều Đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ năm 2010 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua - 11/11.

Kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở

Báo cáo kết quả công tác tổ chức cán bộ năm 2010 và giai đoạn 2007-2010 của Bộ Tư pháp cho biết: từ Trung ương đến cơ sở, đội ngũ cán bộ tư pháp đã cơ bản được kiện toàn. Đến nay, Bộ đã có 20 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Hầu hết các đơn vị thuộc Bộ đã thành lập các phòng nghiệp vụ.

Trước yêu cầu cấp bách về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Tư pháp cơ sở, đặc biệt là cán bộ Tư pháp xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Trường Trung cấp luật Vị Thanh (Hậu Giang) đã ra đời.

Ở địa phương, sau khi Thông tư liên tịch số 01 đuợc ban hành, 63/63 tỉnh, thành phố đã có đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế được phê duyệt. Tính đến tháng 01/2010 tổng số cán bộ của Sở Tư pháp có 3530 người, tăng 17% so với năm 2005, trong đó 75% cán bộ có trình độ cử nhân luật trở lên. Bên cạnh việc kiện toàn các đơn vị sự nghiệp tổ chức bộ máy nhiều Sở Tư pháp đã được kiện toàn theo hướng chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực.

Đối với Tư pháp cấp huyện, cũng theo thống kê, bình quân mỗi phòng tư pháp có 4 cán bộ, so với giai đoạn trước năm 2005 tăng trên 12%. Ở cấp xã, cả nước đã có gần 13 ngàn công chức Tư pháp - hộ tịch; nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức Tư pháp - hộ tịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Thanh Hoá…

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận số lượng cán bộ, công chức nói chung còn mỏng; hầu hết cơ quan Tư pháp các cấp đều đang quá tải về công việc; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; cơ cấu còn bất cập, thiếu công chức ở các ngạch bậc cao.

Phân bổ cán bộ chưa hợp lý

Nhìn lại một nhiệm kỳ công tác tổ chức cán bộ, các đại biểu tham dự Hội nghị đều đánh giá cao những phát triển vượt bậc trong kiện toàn bộ máy cơ quan tư pháp những năm qua, cùng đó là đóng góp và đưa ra nhiều kế sách cho sự phát triển của ngành những năm tới.

Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị Bộ xem lại tính hợp lý trong cơ cấu tổ chức cán bộ, nhất là tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Theo bà Lý, ở những nơi đô thị, tập trung đông dân cư việc bố trí nhiều cán bộ tư pháp là đương nhiên, song với những vùng khó khăn, từ huyện xuống xã đi mất cả ngày đường thì cũng cần phải bố trí cán bộ nhiều hơn. Đề cập đến chất lượng đội ngũ cán bộ Tư pháp, bà Lý mạnh dạn: đã đến lúc Bộ cần đề xuất với Chính phủ về việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các cán bộ quản lý. “Có thể chia ra từng loại đối tượng, theo các mức thời gian 3 tháng, 6 tháng hay một năm. Và phải quy định đây là điều kiện bắt buộc để bổ nhiệm”, bà Lý đề nghị.

Cũng cho rằng việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật là cần thiết, nhưng Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp Trần Thất lại “khoanh” phạm vi trong các đối tượng là lãnh đạo quản lý trong ngành Tư pháp. “Ít ra cán bộ lãnh đạo cấp Phòng thuộc Sở, lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng nghiệp vụ, lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ phải qua lớp này”. Ông Thất đề xuất “Tiến tới phải thi tuyển lãnh đạo cấp phòng để chọn người”.

Cục trưởng Kiểm tra văn bản QPPL Lê Hồng Sơn lại chỉ ra một bất cập khác, đó là chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức ngành Tư pháp. “Chúng ta hiện đang có những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, giỏi về chuyên môn nhưng lại đang có những biểu hiện “lệch chuẩn”. Ông Sơn nói và đề nghị phải nghiên cứu để tính toán lại chế độ làm sao “mời được người giỏi, giữ chân người tài”.

Chung nhận định, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến gay gắt: trong khi yêu cầu về đội ngũ cán bộ ta rất cao song chế độ đãi ngộ thì bất hợp lý; “đã đến lúc cần mạnh dạn hơn trong đề xuất để đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ tư pháp”, bà Yến nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao những kết quả trong công tác tổ chức cán bộ của ngành năm qua. Theo đó, công tác này đã “tiếp tục được quan tâm, thực hiện bài bản, toàn diện hơn, đã gắn với các Nghị quyết của Đảng, gắn hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một số lĩnh vực đã đi vào chiều sâu”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành, đó là xây dựng ngành chưa đồng bộ, đang còn nghiêng về chiều rộng mà chưa quan tâm đúng mức đến bề sâu, sự kết nối giữa các lĩnh vực; số lượng biên chế chưa tương xứng chức năng nhiệm vụ. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu, công tác tổ chức cán bộ những năm tới phaỉ “có những giải pháp mang tính đột phá”. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển ngành và các lĩnh vực mà ngành quản lý”.

Bình An