Sẽ gỡ vướng mắc của quy định về hạn chế ban hành thủ tục hành chính

15/02/2019
Sẽ gỡ vướng mắc của quy định về hạn chế ban hành thủ tục hành chính
Chiều 14/2, Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã có buổi làm việc nghe báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015. Đây là “Luật để làm luật” nên rất nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, trong đó có những quy định về trình tự, thủ tục rút gọn và về hạn chế ban hành thủ tục hành chính trong VBQPPL.

Nhiều đề xuất bổ sung trường hợp văn bản được làm rút gọn
Báo cáo về nội dung liên quan đến quy trình rút gọn, qua lấy ý kiến vào dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn: trường hợp cần sửa đổi hoặc ban hành ngay VBQPPL cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành; trường hợp ban hành thông tư để quy định chi tiết VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên mới được ban hành nhưng có hiệu lực ngay.
Để phù hợp với các trường hợp ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, các ý kiến cũng đề nghị mở rộng thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo hướng chủ thể nào có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì có thẩm quyền áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành (nhất là thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao) hoặc thiên tai, dịch bệnh…; bổ sung Tổng Kiểm toán nhà nước có thẩm quyền áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Liên quan đến việc mở rộng phạm vi, thẩm quyền ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, Vụ đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật đã gửi lấy ý kiến. Đồng thời, Vụ đề nghị bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước để bảo đảm sự thống nhất với các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành VBQPPL.
Bên cạnh đó, một vấn đề vướng mắc được nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh chính là quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL. Theo ông Tuyến, đa số các ý kiến nhất trí với việc sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật 2015 theo hướng mở rộng phạm vi loại VBQPPL được quy định thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo Luật chưa bao quát hết các trường hợp vì trên thực tế, để thực hiện quy định được giao trong các VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên thì địa phương cũng cần ban hành VBQPPL, trong đó quy định thủ tục hành chính để tổ chức thực hiện.
Một số ý kiến nhất trí sửa đổi theo hướng cho phép ban hành VBQPPL có quy định thủ tục hành chính đối với trường hợp quy định về biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo khoản 4 Điều 27 Luật 2015. Nhưng cũng cần xác định rõ tính chất, tiêu chí thế nào là biện pháp có tính chất đặc thù để có cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất cho việc tổ chức thực hiện. Có ý kiến đề nghị thông tư của bộ trưởng, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp tỉnh được quy định về thủ tục hành chính. Ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc lại quy định cấm ban hành thủ tục hành chính trong VBQPPL của địa phương.
Về vấn đề này, Vụ cho rằng quy định về việc mở rộng phạm vi đối với một số loại VBQPPL được quy định thủ tục hành chính như dự thảo Luật là phù hợp. Nếu mở rộng hơn phạm vi loại VBQPPL thì sẽ làm triệt tiêu quy định mang tính đột phá tại khoản 4 Điều 14 Luật 2015 về việc hạn chế ban hành thủ tục hành chính.
Không thể rút gọn “bừa”
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba chỉ ra một số trường hợp văn bản cấp trên giao cho địa phương thực hiện chính sách mà nếu không cho địa phương ban hành thủ tục thì không thực hiện được. Đáng lưu ý là quy định về hỏa táng, khi tổ chức thực hiện chắc chắn phải có thủ tục, song nếu địa phương ban hành thủ tục sẽ là trái quy định của Luật 2015, trong khi đây là quy định về thủ tục hoàn toàn mới chứ không phải để thực hiện thủ tục sẵn có. Vì vậy, ông Ban cho rằng, nếu không tính toán kỹ quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL sẽ bế tắc trên thực tế. Không những thế, ông Ba cũng đề nghị cần tính toán kỹ quy định cho phép rút gọn đối với thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Nhấn mạnh quan niệm Luật Ban hành VBQPPL là “Luật để làm luật” đòi hỏi Bộ phải chuẩn bị thật tốt, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình với nhiều đề xuất của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Nội dung khiến Thứ trưởng băn khoăn nhiều hơn cả liên quan đến quy định về trình tự, thủ tục rút gọn. Trong một số trường hợp như ban hành VBQPPL để bãi bỏ, ngưng hiệu lực của văn bản thì việc rút gọn là hợp lý. Còn về cơ bản, việc tuân thủ quy trình, thủ tục rút gọn phải theo Điều 146 chứ không thể cứ làm “bừa”. Thứ trưởng cũng đồng tình nên xem xét mở rộng tình huống mà ông Ba nêu trên về ban hành thủ tục trong VBQPPL, nhất là trong điều kiện hiện nay VBQPPL giao cho địa phương ban hành không còn quá nhiều. “Một số chính sách mà không cho địa phương ban hành thủ tục hành chính thì địa phương kêu rất nhiều” – Thứ trưởng Hiếu nêu.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định những ưu điểm của Luật 2015, nổi bật là cách làm luật của Luật 2015 đã tiếp cận với các quy định tiến bộ của thế giới. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có những căn chỉnh phù hợp và theo Bộ trưởng, vấn đề quan trọng vẫn là cách tổ chức thực hiện, sự quan tâm của các bộ, ngành và tầm nhìn đối với hoạt động xây dựng pháp luật. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý một số đề xuất về thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã khi có ý kiến muốn mở rộng hay đánh giá tác động chính sách hiện gặp khó vì kinh phí eo hẹp trong khi chính sách là “linh hồn” của một đạo luật…
Thục Quyên