Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 của Vụ Pháp luật quốc tế

24/01/2019
Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 của Vụ Pháp luật quốc tế
Sáng 24/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 của Vụ Pháp luật quốc tế. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.
Trong năm 2018, về cơ bản các nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế được triển khai đúng tiến độ, đúng thời hạn đã đề ra. Tính đến 31/12/2018, Vụ đã chủ trì thẩm định hơn 74 điều ước quốc tế (ĐUQT), góp ý 328 ĐUQT, thỏa thuận quốc tế, được các Bộ, ngành đánh giá cao về chất lượng. Vụ cũng đã cấp 27 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài, bảo đảm nguồn vốn và các điều kiện pháp lý cho các hiệp định vay, thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu quốc tế, thư bảo lãnh Chính phủ.
Vụ đã cử cán bộ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định hỗ trợ hải quan giữa Việt Nam – Hoa Kỳ… Tuy không phải là cơ quan chủ trì nhưng với tư cách là cơ quan hỗ trợ về pháp lý trong quá trình đàm phán các ĐUQT này, Vụ luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao đối với các vấn đề pháp lý, quy trình, thủ tục, minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp và lời văn của các Hiệp định.

Vụ tiếp nhận, chuyển giao gần 3.400 yêu cầu ủy thác tư pháp hai chiều, trong đó có gần 3.200 yêu cầu đối với các nước có quan hệ ĐUQT với Việt Nam, và trả kết quả hơn 2.000 yêu cầu ủy thác tư pháp. Vụ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong 2 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ; phối hợp giải quyết 3 vụ nhà đầu tư đã gửi thông báo ý định khởi kiện Chính phủ Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành xử lý các vấn đề pháp lý của khoảng 40 dự án dầu khí, dự án đầu tư lớn…
Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt  động đột xuất theo phân công của lãnh đạo Bộ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai công việc được giao. Bên cạnh đó, một số đề án, công văn góp ý, thẩm định còn chậm so với tiến độ, chất lượng trong một số trường hợp còn chưa sâu sắc. Việc tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế gặp nhiều khó khăn…

Vì vậy, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, năm 2019 Vụ sẽ tập trung kiện toàn tổ chức, tiếp tục bồi dưỡng công chức theo định hướng phát triển đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ đều nhất trí đánh giá cao những thành tích của Vụ Pháp luật quốc tế trong năm 2018, đồng thời cũng đề xuất một số ý kiến đối với Vụ như: làm tốt hơn nữa đầu mối quốc gia về công ước quốc tế; tăng cường vai trò của Vụ trong thẩm định các ĐƯQT; phối hợp đào tạo quy hoạch và theo đề án đại diện cho phái đoàn Việt Nam tại WTO…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và cảm ơn sự cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, người lao động Vụ Pháp luật quốc tế trong năm vừa qua, từ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của đươn vị, Thứ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, mong muốn và quyết tâm của Chính phủ về tạo bước đột phá trong phát triển đất nước đã và đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức cho những người làm pháp luật quốc tế. Đặc biệt, cần phải từ những công việc của mình truyền tải được linh hồn của các quy định trong pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam để đất nước ngày càng hội nhập, phát triển.