Sáng 23/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương đã tổ chức phiên họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Tham dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Hội đồng, các thành viên Ban Thư ký Hội đồng.
Chuyển biến đáng kể trong công tác PBGDPL
Báo cáo kết quả năm qua, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho biết: Năm 2018, các thành viên Hội đồng đã quan tâm vào cuộc, phát huy vai trò của mình trong trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL tại bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý; đưa công tác PBGDPL có sự chuyển biến đáng kể với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm được triển khai, bắt kịp với xu thế phát triển, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này... Một số Hội đồng bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu trong triển khai công tác PBGDPL như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bình Dương.
|
|
Công tác phối hợp triển khai các hoạt động PBGDPL ngày càng chặt chẽ hơn, trách nhiệm được nâng lên thông qua việc ký kết triển khai các chương trình phối hợp, bước đầu huy động được các nguồn lực xã hội tham gia gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Vai trò của thành viên Hội đồng, thành viên Ban Thư ký Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng Trung ương và các Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc được phát huy và ngày càng rõ nét; công tác quán triệt, triển khai Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện nghiêm túc qua việc ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn, kết quả củng cố, kiện toàn Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động, thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Kế hoạch công tác và nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương; thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL mang lại nhiều kết quả tích cực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mô hình sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; đưa công tác này triển khai đúng hướng. Hội đồng đã tư vấn kịp thời, bài bản, sâu rộng các văn bản pháp luật mới, quan trọng được Quốc hội khóa XIV thông qua như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hành chính, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... và các luật khác có liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội. Việc tổ chức thực hiện các Đề án đã được triển khai thống nhất từ Trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL.
|
|
Kịp thời vào cuộc tuyên truyền khi phát sinh vấn đề nhạy cảm
Các thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá cao những kết quả đặt được và nêu lên một số hạn chế, phản ánh các khó khăn gặp phải. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp quan niệm, công tác PBGDPL phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và kiến nghị một số nội dung mà ngành Lao động sẽ tập trung tuyên truyền như tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, tổ chức công đoàn... Nhận thấy vừa qua có nhiều điểm nóng, ông Diệp cho rằng cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, làm sao vào cuộc sớm hơn, tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để không tiếp tục phát sinh những điểm nóng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trên cơ sở Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”, ngành đã triển khai sâu rộng công tác này và gần đây ngành Giáo dục cũng thông qua Đề án 3957 về nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường đến năm 2021. Theo đó, đã thường xuyên tuyên truyền các luật mới, phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác để triển khai; rà soát giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân để bồi dưỡng, nâng cao năng lực… Với hình thức mới mẻ, ông Độ mong thời gian tới tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến vừa giúp học sinh thư giãn vừa cung cấp kiến thức bổ ích một cách hiệu quả.
|
|
Đồng tình với ông Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, nên tập trung xử lý các điểm nóng. Ông Hải đề xuất, hoạt động PBGDPL không thể chỉ cung cấp thông tin mà phải tăng cường ý thức chấp hành pháp luật sao cho trở thành một thứ văn hóa của mỗi người, mỗi cơ quan; đầu tư phần mềm, công cụ hỗ trợ cho cán bộ làm tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp; quan tâm hình thành một đội ngũ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động… Đề cao ý nghĩa của Ngày Pháp luật, ông Hải kiến nghị, vào Ngày Pháp luật nên có hình thức biểu dương những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL.
|
|
Kết luận phiên họp, Bộ trrưởng Lê Thành Long nhận định, hoạt động chung của Hội đồng Trung ương và của riêng từng bộ, ngành thành viên đã đạt một số kết quả đáng chú ý. Trong đó, các bộ, ngành cơ bản ban hành kế hoạch PBGDPL tại bộ, ngành mình, chú trọng tăng cường năng lực cho cán bộ làm PBGDPL. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới như phối hợp VTV thực hiện chương trình gameshow Sức nước ngàn năm; nhiều bộ, ngành đã nâng cấp, mở rộng các chuyên mục về PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; việc hướng dẫn công tác PBGDPL, nhất là triển khai Ngày Pháp luật, rất cụ thể, thiết thực, dễ làm…
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế vẫn chưa được khắc phục như phản ứng chính sách còn chậm, đặc biệt đã để xảy ra một số điểm nóng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL chưa có chuyển biến, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này. Vì vậy, Bộ trưởng nhất trí phương hướng hoạt động năm 2019 cũng như ý kiến của các bộ, ngành, đồng thời lưu ý cần xúc tiến nhanh hơn một số đề án mà Bộ Tư pháp trình liên quan đến công tác PBGDPL để Thủ tướng Chính phủ thông qua. Từ thực tiễn vừa qua, theo Bộ trưởng, trong quá trình soạn thảo dự án luật mà phát sinh vấn đề nhạy cảm thì căn cứ vào khoản 3 Điều 10 Luật PBGDPL, các bộ, ngành có thể quan tâm vào cuộc sớm hơn, chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nắm bắt nội dung, có cách thức tiếp cận, xử lý vấn đề, tuyên truyền, phổ biến kịp thời.
Bên cạnh đó, cần cải tiến các nội dung, hình thức phổ biến, chia sẻ các cách làm hiệu quả gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL. Ngoài ra, nên tổ chức đoàn kiểm tra về bố trí, sử dụng kinh phí cho công tác PBGDPL; từng thành viên Hội đồng cần chủ động nghĩ ra các sáng kiến, ý tưởng mới, cách làm mới đối với công tác PBGDPL, tiến hành đánh giá kết quả thực hiện công tác PBGDPL từng năm…
Hoàng Thư