Hôm nay - 03/01, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chủ trì Phiên họp thẩm định Luật Thư viện. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng dự. Phiên họp còn có sự tham gia của Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện các Bộ, Ngành và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ.
Khẳng định sự quan trọng của dự án Luật Thư viện đối với đời sống xã hội nói chung, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào một số vấn đề như phù hợp của dự án Luật với chính sách của Quốc hội, Chính phủ; tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật; tính tương thích với Điều ước quốc tế và đặc biệt là tính khả thi. Thứ trưởng yêu cầu phải thảo luận sâu về tính khả thi để khi Luật được thông qua sẽ thực sự có hiệu quả. Trong thời đại công nghệ 4.0, Thứ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề Thư viện số và các vấn đề liên quan đến Thư viện số như việc vận hành, xã hội hóa thư viện, các đối tượng thụ hưởng...
Xây dựng Thư viện Mở
Tại Phiên họp, ông Phạm Hồng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong các cơ sở đào tạo thì thư viện số và thư viện truyền thống là một. Hiện nay, các thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển và khai thác thư viện truyền thống. Do vậy, cần cân nhắc việc phân tách thư viện truyền thống với thư viện số và nên thiết kế thư viện mở để dễ dàng quản lý và khai thác thư viện. Đồng tình với việc xếp hạng thư viện để thu hút đầu tư từ bên ngoài, nâng cao chất lượng cho thư viện, nhưng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng, vệc phân loại thư viện trường học công và thư viện trường học tư là chưa phù hợp. Theo ông, nếu phân hạng thư viện chỉ để phục vụ việc đầu tư thì cần phải bàn thêm.
Có chính sách đầu tư thích hợp cho các thư viện cấp cơ sở
Đồng ý với ông Hồng Anh trong việc xếp hạng thư viện, Phó Giám đốc thư viện Hà Nội Vương Thị Lý cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định chi tiết hơn mô hình Phòng đọc sách, Thư viện, Tủ sách cơ sở công cộng cấp huyện, cấp xã để phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong phục vụ cộng đồng. Đồng thời Dự án Luật cũng nên xem xét việc có nên phân quyền cho ban quản lý cấp xã và cần có chính sách đầu tư thích hợp để các thư viện cấp cơ sở có thể phục vụ tốt hơn cho văn hóa đọc. Cũng có không ít ý kiến đồng tình với việc thư viện thu phí bản quyền các đầu sách có chất lượng.
|
|
Cũng quan tâm đến việc phân định loại hình thư viện, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, xem xét việc phân định loại hình thư viện phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ chứ không phải chủ thể đầu tư. Chưa kể, tiện ích phục vụ được nêu trong Dự án Luật vẫn chưa được nêu cụ thể. Đối với vấn đề thư viện số, theo ông nếu thư viện số là một hình thức trong việc kinh doanh thì sẽ áp dụng quy định nào, vận hành ra sao và sử dụng phần mềm nào cũng chưa được làm rõ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện của các đơn vị Bộ, ngành có liên quan cũng đưa ra một số ý kiến góp ý như Dự án cần phải xem xét thật kỹ lưỡng để tránh va chạm với các luật khác; phạm vi đối tượng điều chỉnh nên tiếp cận rộng chứ không phải liệt kê chi tiết; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất; phải làm rõ về quy mô để bảo đảm tính minh bạch; các hình thức thực hiện nên xem xét lại tính cân đối...
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo đồng thời yêu cầu cụ thể hóa về dịch vụ công của thư viện và mô hình thư viện cơ sở. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Dự thảo cần có sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Giáo dục đại học, Luật Tiếp cận thông tin và sở hữu trí tuệ... Bên cạnh đó, tính khả thi cũng phải được ưu tiên hàng đầu, tránh dàn trải lãng phí. Dự thảo cũng cần phải xác định, làm rõ mô hình cùng với vai trò, nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0 thì việc thực hiện thư viện số càng phải được đẩy mạnh, phải làm sao để văn hóa đọc lan tỏa đến khắp các cấp cơ sở.
An Như