Giải quyết quốc tịch cho người Lào di cư tự do: Thỏa thuận thể hiện tinh thần nhân văn, bảo đảm quyền con người

01/01/2019
Giải quyết quốc tịch cho người Lào di cư tự do: Thỏa thuận thể hiện tinh thần nhân văn, bảo đảm quyền con người
Năm 2018 tiếp tục là một năm có nhiều thành công của Bộ, ngành Tư pháp. Nhân dịp năm mới 2019 cùng nhìn lại những dấu ấn đáng ghi nhận trong lĩnh vực quốc tịch do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phụ trách chỉ đạo.

P.V: Thưa Thứ trưởng, một trong những sự kiện nổi bật về công tác quốc tịch của năm 2018 là giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào di cư tự do tại các tỉnh biên giới. Xin Thứ trưởng chia sẻ cụ thể hơn về kết quả này?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Vấn đề người di cư tự do tại các tỉnh có chung đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam với các nước láng giềng nói chung và với Lào nói riêng là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại nhiều năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận dân cư của nước này cư trú, sinh sống trên lãnh thổ nước kia, nhưng những người này không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch.
Để xử lý vấn đề này, ngày 08/7/2013, hai Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký Thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.
Thỏa thuận có hiệu lực trong thời hạn ba năm (từ ngày 14/11/2013) và được gia hạn ba năm tiếp theo đến ngày 14/11/2019 với mục tiêu cố gắng giải quyết dứt điểm theo thủ tục nhanh gọn việc cấp các giấy tờ quốc tịch và hộ tịch cho những người đáp ứng các điều kiện của Thỏa thuận.
Sau khi Thỏa thuận được ký kết, cả hai bên đã nỗ lực triển khai thực hiện, nhưng kết thúc ba năm đầu, kết quả thu được khá khiêm tốn. Chính vì vậy, trong các năm 2017 và năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, kể cả đưa các nội dung này vào các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp Lào, thảo luận kỹ và kiểm điểm thực hiện tại các hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào.
Vào thời điểm kết thúc năm 2018 thì có thể hài lòng với những kết quả đạt được. Mười tỉnh biên giới Việt Nam tiếp giáp với Lào đã kết thúc việc lập danh sách (với tổng số 1.804 trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú cư trú tại 10 tỉnh biên giới).
Đến nay, đã có 7/10 tỉnh được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào phê duyệt danh sách với tổng số 1.063 trường hợp (bao gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế), trong đó, Chủ tịch nước đã ký quyết định cho phép 139 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam (18 trường hợp tại tỉnh Quảng Bình, 2 trường hợp tại tỉnh Hà Tĩnh và 119 trường hợp tại tỉnh Quảng Trị).
Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để hoàn tất các thủ tục cuối cùng đối với những trường hợp còn lại.
Trung tuần tháng 12/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 trường hợp cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
P.V: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc giải quyết quốc tịch cho người Lào di cư tự do theo Thỏa thuận?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc:
Quyền có quốc tịch là một quyền con người quan trọng. Việc không xác định được quốc tịch của những người di cư tự do tại biên giới Việt Nam – Lào ảnh hưởng đáng kể tới việc những người này thực hiện các quyền công dân cũng như là việc quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước Việt Nam, sự ổn định và bình yên ở khu vực biên giới.
Vì vậy, việc Chủ tịch nước ta cho phép những người Lào di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với người Lào di cư, mà còn ghi dấu ấn quan trọng đối với quan hệ truyền thống đặc biệt, hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào. Từ đây họ đã trở thành công dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Và cũng từ đây họ chính thức được đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, cấp các giấy tờ tùy thân (như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân...). Đó là những giấy tờ quan trọng để bảo đảm cho trẻ em được đi học, người lớn thì xin việc làm, đăng ký sở hữu tài sản... từ đó, giúp họ ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận còn góp phần duy trì, quản lý và bảo vệ an ninh, trật tự, sự ổn định ở khu vực biên giới, cũng như củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Việc cho phép người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân văn, thái độ thực hiện nghiêm cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
P.V: Xin Thứ trưởng cho biết một số định hướng thực hiện Thỏa thuận trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu đề ra vào cuối năm 2019?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc:
Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực ngày 14/11/2019. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND bảy tỉnh có chung đường biên giới với Lào đã có danh sách người Lào di cư tự do cư trú tại địa phương được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam – Lào phê duyệt tập trung hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam để sớm trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc nhập quốc tịch Việt Nam cho các trường hợp đủ điều kiện.
Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ đôn đốc ba địa phương còn lại sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt danh sách trong quý I/2019 và cố gắng hoàn thành công việc trước khi kết thúc thời gian gia hạn Thỏa thuận.
P.V: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
                        Hoàng Thư (thực hiện)