Họp Ban soạn thảo xây dựng Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành

16/11/2018
Họp Ban soạn thảo xây dựng Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành
Chiều 16/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm (Đề án). Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban soạn thảo Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn cho biết, so với trước đây, Đề án đã có sự thay đổi về phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Cụ thể: việc xây dựng Đề án không phải nhằm mục đích trình Quốc hội ban hành Nghị quyết miễn đối với những khoản thu nộp ngân sách nhà nước chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm như trước nữa mà được xác định rõ ràng, cụ thể là: xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các giải pháp giải quyết việc THA chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm nói chung. Việc ban hành Đề án sẽ làm cơ sở cho việc sửa đổi Thông tư 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 về việc hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê THADS nhằm phản ánh đúng thực chất, khách quan kết quả THADS hàng năm.

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều nhất trí việc cần thiết phải ban hành Đề án đồng thời góp ý vào các nội dung liên quan đến cơ cấu, mục tiêu, giải pháp, thời hạn thực hiện Đề án. Trong đó, đại diện Ban Nội chính TƯ cho rằng, Dự thảo cần làm rõ bản chất của án tồn đọng, để từ đó đặt vấn đề sửa đổi chế độ báo cáo cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan. Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Ban Kiểm tra Trung ương đề xuất Đề án cần có sự phân tích nguyên nhân tăng án tồn đọng, những áp lực cụ thể cho chấp hành viên trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án cũng như xây dựng báo cáo thống kê; đồng thời làm rõ các giải pháp liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh đây là một việc rất khó và phức tạp, nhưng cũng rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của hoạt động THA. Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu của Đề án là giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm, do đó các giải pháp nêu ra cần tập trung vào vấn đề này. Trong đó, cần phân loại các việc tồn đọng theo thời gian cụ thể (5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm) để có hướng giải quyết phù hợp, đồng thời nghiên cứu phương án đề xuất cho phép miễn các việc đã tồn đọng trên 20 năm khi có điều kiện thích hợp...

Theo dự kiến, Dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12.2018.